Sáng 16/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Nội dung được đại biểu quan tâm góp ý, tranh luận nhiều nhất vẫn là việc có nên tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật gồm Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, cũng như việc chuyển giao thẩm quyền cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Trong 26 đại biểu phát biểu và 4 người tranh luận, hơn 20 ý kiến không ủng hộ tách luật.
Hai bộ cùng quản lý, bộ nào chịu trách nhiệm?
Ở nhóm ủng hộ, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng việc tách luật đã được Chính phủ thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng. Đặc biệt, sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các chuyên gia và Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp, Thủ tướng cũng đồng ý với việc này.
“Tôi ủng hộ lựa chọn của Chính phủ và Thủ tướng vì tôi thấy việc này có lợi cho nhân dân và đất nước”, ông Sinh nói và đề nghị nghiên cứu sửa tên thành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thành Luật Đường bộ.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) ủng hộ việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật vì cho rằng như vậy là "có lợi cho dân, cho nước". Ảnh: Quốc hội. |
Khác quan điểm, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu nhiều lý do để không đồng tình việc tách luật.
Theo ông, giao thông đường bộ là một thể thống nhất được liên kết chặt chẽ, đồng bộ với 4 thành tố: Kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông và người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông, quy tắc GTĐB.
“Cả 4 yếu tố đó là đối tượng điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, việc tách thành 2 luật là không hợp lý”, ông Thắng nói.
Lý do được ông đưa ra là hơn 10 năm thực thi Luật Giao thông đường bộ (do Bộ GTVT chịu trách nhiệm quản lý), việc này đã góp phần quan trọng trong phát triển đầu tư mạng lưới giao thông đường bộ, công tác phối hợp đảm bảo trật tự ATGT đường bộ có những tiến bộ tích cực.
Theo đại biểu tỉnh Quảng Trị, các cơ sở chính trị, pháp lý được viện dẫn cũng phân tích không đúng nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị 18 là tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATGT phù hợp tình hình mới.
Ông Thắng dẫn Nghị quyết 18 của BCH Trung ương năm 2017 khẳng định “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm”, Nghị quyết 17 của Trung ương khóa X xác định một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lý, nhằm tập trung cho nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an tinh nhuệ, chính quy, hiện đại.
“Vậy Ban Bí thư có yêu cầu phải nghiên cứu để xây dựng riêng Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, chuyển nhiệm vụ có tính chất dân sự là cấp GPLX cho công dân để công an thực hiện không?”, ông Thắng nêu vấn đề.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu nhiều lý do cho việc không ủng hộ phương án tách luật. Ảnh: Quốc hội. |
Ông cũng băn khoăn cả 2 bộ GTVT và Công an cùng tham gia quản lý sẽ dẫn đến tình trạng khi có vụ việc không biết bộ nào sẽ chịu trách nhiệm?
“Nếu tách Luật GTĐB thành 2 luật sẽ phá vỡ kết cấu trong hệ thống luật giao thông, phá vỡ quy chuẩn, nền tảng thống nhất của hệ thống pháp luật nước nhà, tạo ra hệ lụy hết sức nguy hiểm cho công tác xây dựng pháp luật theo kiểu tùy nghi”, đại biểu Thắng nhấn mạnh.
Khẳng định cơ sở xây dựng Luật Bảo đảm trật ATGT đường bộ tách ra từ Luật GTĐB còn khiên cưỡng, chưa khoa học, khách quan, ông Thắng đề nghị Quốc hội không tách và không chuyển thẩm quyền cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Thay vào đó, cần nghiên cứu những vấn đề còn bất cập để tích hợp, sửa đổi nội dung cho một dự án luật chung thống nhất là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền đồng tình với phân tích của đại biểu Thắng. Ông Xuyền cho rằng luật GTĐB có bốn thành tố, nếu tách ra sẽ rất bất cập trong quản lý, và khi đó Luật Giao thông đường bộ sẽ không còn là Luật Giao thông đường bộ nữa, dẫn đến chồng chéo, tổ chức thực hiện khó khăn.
Sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tách luật
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho rằng một số chính sách không được đánh giá tác động khi có sự thay đổi. Như đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, báo cáo đánh giá tác động không chỉ ra được sự bất cập để phải chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Trong khi đó, vấn đề này liên quan rất lớn đến hơn 2.000 công chức, viên chức đang thực hiện nhiệm vụ của ngành giao thông.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung. Ảnh: Quochoi. |
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh thẳng thắn nêu quan điểm “chuyển thẩm quyền cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an là chưa thuyết phục”.
Theo ông, trong thời gian qua có ý kiến cho rằng chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX còn tồn tại và là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông nên cần phải chuyển sang cơ quan công an, nhưng con số thống kê cho thấy, số người chết do tai nạn giao thông tính trên 100.000 GPLX được cấp lại liên tục giảm.
Mặt khác, thống kê phân tích các vụ tai nạn giao thông cho thấy nguyên nhân chính là do ý thức của người tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh thẳng thắn nêu quan điểm “chuyển thẩm quyền cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an là chưa thuyết phục”. |
Về mặt kinh tế, ngành GTVT đã và đang đầu tư công nghệ hiện đại cho việc cấp, đổi, quản lý GPLX và đang có khoảng 2.200 cán bộ đang làm việc trong lĩnh vực này.
“Chuyển sang Bộ Công an thì sắp xếp cho những lao động này thế nào, trong khi Bộ Công an phải bổ sung lực lượng để tiếp nhận công việc mới? Toàn bộ cơ sở vật chất có giá trị hàng nghìn tỷ đồng của ngành GTVT có nguy cơ bị thừa, trong khi ngành công an phải đầu tư thiết bị chung gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước…”, ông Sinh nêu quan điểm.
Từ phân tích đó, ông đề nghị Quốc hội xem xét không chuyển thẩm quyền cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, không tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật.
Kết luận lại nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá việc tách luật là vấn đề lớn và còn ý kiến khác nhau. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội sau khi thảo luận Luật Bảo đảm trật tự ATGT chiều nay.