Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị xem xét, trình Quốc hội thông qua kỳ họp sau.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tư Pháp Lê Thành Long, đại diện Ban soạn thảo nói: "Đã có 49 đại biểu góp ý đề nghị sửa đổi bổ sung khoảng 75 điều, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ để có tiếp thu giải trình, báo cáo Chính phủ".
Theo Bộ trưởng Tư Pháp, về phạm vi sửa đổi, Ban soạn thảo phải sửa khi phát hiện một số chỗ sai sót kỹ thuật, dẫn đến sai nội dung.
"Lúc đầu, Ban soạn thảo dự kiến xây dựng luật đề xuất sử đổi bổ sung 70 điều, cuối cùng trình lên 141. Có những điều chưa thống nhất giữa các cơ quan khác nhau trong Ban soạn thảo. Phiên thảo luận hôm nay thể hiện rõ điều đó", ông Long nói.
Bộ trưởng Tư Pháp Lê Thành Long giải trình trước Quốc hội. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Kết thúc ngày thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định đây là bộ luật lớn, quan trọng và là công cụ đấu tranh chống tội phạm cũng như liên quan trực tiếp tới quyền con người nên được đại biểu Quốc hội quan tâm, yêu cầu làm thận trọng. Rất nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.
Do đó, Quốc hội sẽ giao cho cơ quan thẩm tra, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan liên quan nghiên cứu đầy đủ ý kiến của đại biểu để tiếp thu, chỉnh lý, xây dựng lại dự án luật.
"Chúng tôi sẽ đề nghị tổ chức những hội nghị, hội thảo chuyên đề, mời các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức đại biểu Quốc hội chuyên trách, lấy ý kiến các cơ quan, địa phương, đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trình thông qua vào kỳ họp thứ 3, để đáp ứng yêu cầu và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật”, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đánh giá sở dĩ đến nay quan điểm thảo luận còn rất nhiều ý kiến trái chiều vì sửa đổi Bộ luật hình sự không rõ ràng, chưa xuyên suốt, nhất quán.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa ( đoàn TP.HCM) khẳng định đây là một bộ luật cực kỳ quan trọng và đặc biệt ở chỗ chỉ cần sai một dấu chấm, dấu phẩy cũng có thể không áp dụng được hoặc gây hậu quả khôn lường.
“Chính vì thế quan điểm của tôi là sửa những điểm sai về kỹ thuật, hành văn, những điểm bất hợp lý mà không sửa sẽ có hại cho đất nước”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, việc thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án luật này chưa đủ, mà cần phải có những cuộc thảo luận rất chuyên sâu, với sự tham gia góp ý của các chuyên gia tư pháp, điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư dày dạn kinh nghiệm.