Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Nội Vụ xin lùi thông qua Luật về hội

Đại diện ban soạn thảo dự án Luật về hội ghi nhận tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và xin lùi thời hạn thông qua để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Chiều 25/10, sau khi nghe các đại biểu thảo luận, tranh luận dự án Luật về hội, Bộ trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân giải trình việc thành lập hội là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp.

Qua 49 ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, ông Lê Vĩnh Tân cho rằng phần lớn ý kiến đồng tình cần có Luật về hội. Nhiều nội dung trong dự thảo đã được các đại biểu phát biểu đề nghị bổ sung, sửa đổi, thậm chí bỏ cho phù hợp với thực tiễn.

Theo ông, các ý kiến của đại biểu và tổ chức góp ý là xác đáng, đúng thực tiễn, phù hợp xu hướng phát triển chung của đất nước nhất trong thời kỳ hội nhập, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hội hoạt theo khuôn khổ pháp luật.

"Dự án luật có 33 điều thì 32 điều đều có ý kiến. Ban soạn thảo xin ghi nhận tất cả các ý kiến, sẽ cùng cơ quan thẩm tra tổng hợp đầy đủ và báo cáo cơ quan thẩm quyền xem xét, để quyết định những vấn đề quan trọng trong dự thảo luật mà các đại biểu quan tâm”, ông Tân thẳng thắn thừa nhận.

Lui thong qua Luat ve hoi anh 1
Bộ trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân giải trình trước Quốc hội dự án Luật về hội. Ảnh: Quochoi.vn.

Theo ông Tân, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tổng kết các vấn đề mà các đại biểu còn băn khoăn, làm rõ thêm các vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ quy định, hiện chưa có dịp trình các đại biểu Quốc hội.

Nhiều ý kiến chưa có sự đồng tình cao, còn khác nhau tranh luận cũng như ý kiến khác trong dự thảo, đặc biệt những vấn đề quan trọng.

Do vấn đề chuẩn bị chưa được chu đáo, đầy đủ, các cơ sở dữ liệu cho đại biểu tham khảo, ban soạn thảo cho rằng cần có thời gian tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh dự thảo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội đối với các đối tượng được điều chỉnh.

Ông Tân đề nghị chủ toạ và Quốc hội xem xét để ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu cho thật chu đáo đầy đủ, tạo sự đồng thuận cao thì mới thông qua.

"Sau kỳ họp này, ban soạn thảo xin ghi nhận thêm các ý kiến phát biểu của các đại biểu chưa có điều kiện phát biểu tại hội trường. Chúng tôi sẽ cùng Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội sẽ hoàn chỉnh dự thảo trình dự thảo trong kỳ họp sau”, Bộ trưởng Nội Vụ nói.

Kết luận buổi làm việc, chủ tọa Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội, cho rằng đây là dự án luật quan trọng, phức tạp. Phiên thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau, Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu.

"Ủy ban Thường vụ sẽ có văn bản báo cáo trước Quốc hội trong phiên họp tới đây, với tinh thần phải có một luật tốt về hội, đảm bảo chất lượng, đảm bảo quyền lập hội của người dân và yêu cầu quản lý của Nhà nước”, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đây là lần thứ 2 dự án Luật về hội được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Lần này có 60 đại biểu đăng ký phát biểu và 49 đại biểu đã được phát biểu tại hội trường. Theo dự kiến của kỳ họp, dự án luật này sẽ được biểu quyết thông qua vào chiều 18/11 (nếu Quốc hội đồng ý tiến hành biểu quyết).

Cán bộ lực lượng vũ trang không được lập hội

Cán bộ, công chức và những người đang làm việc trong đơn vị thuộc lực lượng vũ trang không được sáng lập, đăng ký thành lập, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội.

 

Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm