Giám đốc điều hành Micron Sanjay Mehrotra xác nhận qua điện thoại hôm 25/6 về việc đã nối lại các đơn hàng của Huawei từ 2 tuần gần đây. Trong khi Intel từ chối đưa ra bình luận trước thông tin sẽ tiếp tục bán linh kiện cho đối tác Trung Quốc.
Trước đó, khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách xuất khẩu có điều kiện, hàng loạt tập đoàn công nghệ của nước này đã tuyên bố tạm dừng hợp tác, hủy các đơn hàng cung cấp linh kiện, phần mềm và dịch vụ.
Báo cáo của New York Times không cho thấy bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ. Diễn biến mới đơn thuần xuất phát từ nội bộ các công ty.
Micron xác nhận sẽ tiếp tục bán chip cho Huawei mà không vi phạm lệnh cấm của chính quyền Mỹ. Ảnh: Forrtune. |
Theo Gizmodo, sau một thời gian tạm dừng cung cấp để đánh giá tác động của lệnh cấm, các công ty nhận ra vẫn có thể hợp tác với Huawei mà không vi phạm quy định của chính quyền. Cả Nhà Trắng và Bộ Thương mại Mỹ đều từ chối bình luận trước thông tin do New York Times công bố.
Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), tổ chức tập hợp các nhà sản xuất chip lớn, bao gồm Intel và Micron, tuyên bố các công ty thành viên vẫn có thể tiếp tục cung cấp linh kiện cho Huawei.
"Như những gì chúng tôi đã thảo luận với chính phủ Mỹ, hiện tại vẫn có thể cung cấp một số mặt hàng cho Huawei mà không vi phạm lệnh cấm", SIA nêu hôm 21/6. Tuy nhiên, về lâu về dài chính sách của Mỹ sẽ tác động xấu đến khả năng cạnh tranh của các thành viên hiệp hội.
SIA kêu gọi chính quyền ông Donald Trump tìm cách thúc đẩy vị thế dẫn đầu của ngành công nghiệp bán dẫn, trong khi vẫn đảm bảo an ninh quốc gia.
Ở chiều ngược lại, các nhà sản xuất Trung Quốc cho rằng sẽ khó đạt mục tiêu tự cung ứng chip bán dẫn theo kế hoạch của chính quyền khi không có công nghệ Mỹ.
"Nếu chúng ta mất quyền truy cập vào phần mềm của Mỹ hoặc không thể nhận được các bản cập nhật nữa, quá trình phát triển chip sẽ đi vào ngõ cụt", một nhà sản xuất chip AI hàng đầu Trung Quốc tuyên bố trên Nikkei Asian Review.