Nghe tin chợ Hòa Bình (quận 5) mở cửa trở lại, chị Luyến (phường 5, quận 5) tranh thủ đi chợ vào sáng sớm. "Từ trước đến nay tôi vẫn quen với việc đi chợ mua thực phẩm tươi, rẻ cho gia đình. Dịch bệnh bắt buộc phải đi siêu thị mua đồ chứ đi chợ cảm thấy thích hơn nhiều", chị vui vẻ nói.
Chị Luyến cho biết sáng nay đi mua mấy quầy tại chợ, giá rau, thịt cá đều rẻ hơn so với thời điểm tháng 6-7. "Tôi mua 1 kg thịt ba rọi giá 140.000 đồng, rau cải ngọt 20.000 đồng/kg, dưa leo 18.000 đồng/kg, trứng gà 22.000 đồng/chục", chị nói và cho rằng vẫn còn hơn cao nhưng trong thời điểm dịch bệnh, giá như vậy có thể chấp nhận được.
Thực tế hiện nay, khi TP.HCM nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 18, kênh phân phối, lưu thông, vận chuyển không còn gặp nhiều khó khăn như trước, các chợ truyền thống được mở lại giúp người dân thành phố dễ dàng tiếp cận nguồn thực phẩm giá rẻ.
Chợ Bến Thành (quận 1) hoạt động trở lại từ 3/10. Ảnh: Phương Lâm. |
Giá giảm một nửa
Theo khảo sát của Zing tại một số chợ truyền thống đã mở cửa trở lại trên địa bàn quận 1, 5, Bình Thạnh... giá rau củ, thịt cá đã giảm mạnh so với thời điểm trước.
Nếu như thời điểm đầu tháng 7, giá rau cải xanh, cải ngọt ở mức 30.000-35.000 đồng/kg, dưa leo lên 40.000 đồng/kg, rau mùng tơi 35.000 đồng/kg, khổ qua 50.000 đồng/kg, xà lách 40.000 đồng/kg, cà chua, khoai tây 50.000 đồng/kg, rau muống 30.000 đồng/kg.... thì hiện tại, giá rau củ các loại đã giảm 40-50%.
Đơn cử, tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), mồng tơi 25.000 đồng/kg, cải ngọt, cải thìa, cải bẹ xanh đồng giá 20.000 đồng/kg, khổ qua 25.000 đồng/kg, cà chua 20.000 đồng/kg...
Tại chợ Đa Kao (quận 1), cải ngọt, rau muống 20.000 đồng/kg, sả cây 25.000 đồng/kg... Tiểu thương bán rau củ tại chợ này cho biết chợ vừa mở cửa được 3-4 ngày nay. "Giá thực phẩm đã giảm do giá nhập ở chợ đầu mối hạ nhiệt, hàng về cũng dễ dàng hơn nên có nhiều mối nhập giá cạnh tranh hơn trước", người bán cho hay.
Tương tự, trên các hội nhóm chợ online các quận, huyện TP.HCM, giá rau củ, thịt cá đã hạ nhiệt dần so với thời điểm hơn 2 tuần trước. Cụ thể, tại gian hàng online của chị Phương (phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức) các loại rau củ dao động từ 6.000-35.000 đồng/kg. Chẳng hạn, bắp mỹ giá 6.000 đồng/trái, rau muống 22.000 đồng/kg, chanh 20.000 đồng/kg,...
Tại các quận trung tâm TP.HCM như quận 1, 5, Bình Thạnh đã mở lại các chợ truyền thống. Ảnh: T.T. |
Các loại thịt, hải sản cũng về mức ổn định, dao động 100.000-250.000 đồng/kg, trong đó thịt vai 115.000 đồng/kg, nạc dăm giá 145.000 đồng/kg, sườn non 180.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 28 con/kg giá 210.000 đồng, mực ống 8-10 con giá 220.000 đồng/kg...
Chị Ngân, bán hải sản online cho biết gần đây lượng khách mua hàng online giảm hơn so với vài tuần trước. "Việc tìm mối mua sỉ và giao hàng cũng thuận lợi nên giá cũng giảm xuống", chị nói và cho biết miễn phí giao hàng cho người dân trong quận và đồng giá 20.000 đồng phí giao hàng liên quận.
Khẩn trương mở thêm nhiều chợ trong tháng 10
Theo thống kê của Sở Công Thương, tính đến ngày 7/10, thành phố có 28/234 chợ truyền thống tại TP.HCM đã mở lại, tập trung vào các quận như quận 5 (5 chợ), huyện Củ Chi (7 chợ) và huyện Cần Giờ (8 chợ). Dự kiến ngày 8/10 có thêm 3 chợ mở cửa trở lại.
Trao đổi với Zing, bà Phan Thị Thúy Hằng - Phó chủ tịch UBND quận 3 - cho biết hiện nay UBND quận đang góp ý một số phương án để các chợ hoạt động lại đảm bảo an toàn. "Trước đây, quận 3 đã có chỉ đạo ban quản lý các chợ trên địa bàn xây dựng phương án, tuy nhiên qua thẩm định của địa phương thì vẫn chưa đạt do đó chưa thể mở lại ngay", bà nói.
Theo bà Hằng, đặc thù quận 3 là các chợ nằm trong khu dân cư mà ở các khu dân cư phải đảm bảo là vùng xanh, không có ca nhiễm.
Có thể chậm một chút nhưng phải chuẩn bị thật an toàn cho người mua lẫn người bán.
Bà Phan Thị Thúy Hằng - Phó chủ tịch UBND quận 3.
"Hiện, số lượng tiểu thương đảm bảo các tiêu chí vẫn chưa nhiều và các phương án mở lại chợ vẫn cần điều chỉnh để đảm bảo khi hoạt động trở lại phải thật sự an toàn", Phó chủ tịch quận 3 nhấn mạnh.
Chủ trương của UBND TP là an toàn tới đâu mở tới đó và khi mở phải an toàn, tránh trường hợp một số nơi vừa mở cửa đã ghi nhận ca nhiễm mới và đóng cửa lần nữa. "Chính vì vậy, quận 3 cũng đang rất thận trọng để đảm bảo làm sao vẫn phải mở chợ để người dân tiếp cận nguồn thực phẩm giá rẻ, tạo điều kiện cho tiểu thương kinh doanh trở lại, nhưng vẫn phải đảm bảo phòng, chống dịch. Có thể chậm một chút nhưng phải chuẩn bị thật an toàn cho người mua lẫn người bán", bà nói.
Các quận, huyện đang gấp rút mở thêm nhiều chợ trong tháng 10. Ảnh: Chí Hùng. |
Theo bà Hằng, khi mở lại chợ, quận 3 ưu tiên các khu vực bán ngoài trời và các sạp hàng phải có khoảng cách an toàn. "Hiện, quận cũng đang hỗ trợ cho tiểu thương tiêm đủ 2 mũi vaccine để giúp họ sớm hoạt động trở lại", bà nói thêm.
Tương tự, ông Đỗ Đăng Ái - Phó chủ tịch quận Phú Nhuận - cũng cho biết quận đang gấp rút xây dựng và hoàn thiện phương án để cho mở lại 3 chợ truyền thống trên địa bàn trong thời gian theo kế hoạch là giữa tháng 10.
Bà Sử Kim Thoa - Trưởng ban quản lý chợ Phùng Hưng (quận 5) - cho biết hôm nay chợ đang lên kế hoạch, dự kiến từ ngày 10-15/10 sẽ mở cửa trở lại. Hiện, ban quản lý đang thông báo cho các tiểu thương để làm cam kết và thực hiện đủ các thủ tục theo Bộ tiêu chí an toàn của UBND TP.
"Hiện nay, chợ cũng đang tính toán các phương án tổ chức, sắp xếp giãn cách giữa người bán với người mua. Cơ bản, các tiểu thương đã được tiêm từ 1-2 mũi vaccine, tình hình dịch tại các địa bàn xung quanh chợ cũng ổn định hơn trước", bà nói.
Tuy nhiên, về kế hoạch cụ thể mở lại chợ theo các tiêu chí, bà Thoa cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn vì đặc thù chợ Phùng Hưng là chợ lòng lề đường không phải chợ trong nhà lồng. "Chợ nhà lồng có quầy sạp rộng, dễ đảm bảo công tác phòng chống dịch, còn chợ lòng lề đường có diện tích hẹp hơn, sạp hàng san sát nhau. Chợ đang dự thảo lấy ý kiến thương nhân cho bán ngày chẵn - lẻ", bà chia sẻ.
Trước khi mở lại chợ, bà Hằng cho biết sẽ xét nghiệm cho toàn bộ thương nhân và lao động tại chợ. "Hiện người dân trên địa bàn thành phố cũng đã tiêm 1-2 mũi vaccine và qua đợt dịch này họ cũng có ý thức tự bảo vệ mình do đó, việc mở lại chợ cũng an tâm hơn", bà nhìn nhận.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết hiện nay các chợ đầu mối chưa mở lại mà chỉ mở các điểm tập kết, trung chuyển hàng và nguồn hàng về ngày càng tăng. Trước 1/10, khoảng 800-900 tấn nay tăng lên 1.100-1.200 tấn/ngày.
"Sở Công Thương chưa nhận được phản ánh về khó khăn khi mở lại chợ nhưng Sở hiểu rằng các quận, huyện đang thận trọng mở lại chợ một cách an toàn để người dân an tâm mua sắm", ông nói.