Ngày 5/12, The Straits Times cho biết một số cầu thủ đã không trở lại nơi đóng quân đúng giờ sau khi kết thúc một trong những trận đấu của họ tại vòng bảng. Nhóm này thậm chí chỉ về lại khách sạn Century Park ở Manila khi trời tờ mờ sáng.
Một cuộc điều tra nội bộ đã được ban huấn luyện U22 Singapore tiến hành, trước khi trình báo lên Ủy ban Olympic Quốc gia Singapore (SNOC). Phóng viên The Straits Times đã liên hệ với SNOC và Hiệp hội Bóng đá Singapore để tìm lời giải thích.
U22 Singapore (áo đỏ) bị loại sớm khỏi SEA Games 30 từ vòng bảng. Ảnh: Thuận Thắng. |
U22 Singapore kết thúc SEA Games trong nỗi thất vọng. Họ chỉ có duy nhất chiến thắng 7-0 trước U22 Brunei hôm 5/12. Thầy trò Fandi Ahmad cũng sớm bị loại sau thất bại 0-1 trước U22 Việt Nam hôm 3/12.
Tại SEA Games 30, U22 Singapore khởi đầu bằng trận hòa trước U22 Lào. Sau đó, họ nhận liên tiếp thất bại trước U22 Indonesia, U22 Thái Lan và U22 Việt Nam. Kết quả này cộng thêm vụ bê bối mới đây sẽ khiến U22 Singapore gặp nhiều rắc rối lúc về nước.
Đây không phải lần đầu tiên các VĐV thuộc đoàn thể thao Singapore "phá rào" ở một kỳ đại hội thể thao quốc tế. Năm 2014, các kình ngư Joseph Schooling, Teo Zhen Ren và Roanne Ho từng bị SNOC cảnh cáo vì tự tiện rời làng VĐV trong lúc dự Asian Games ở Incheon (Hàn Quốc).
Trước khi đến với SEA Games, Asian Games, Commonwealth Games và Olympic, các VĐV Singapore đều phải ký vào một bản quy tắc đạo đức, gồm những điều họ được và bị cấm làm trong lúc dự giải.