Nhiều quy định phức tạp, không phù hợp với thực tế đã được các doanh nghiệp ngành in chỉ ra tại hội nghị tổng kết ngành in năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 và tổng kết thi hành Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định 25/2018/NĐ-CP của Chính phủ được tổ chức tại TP.HCM.
Lúng túng trong thi hành
Tại cuộc họp, ông Chu Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu ngành in, cho biết trong hoạt động xuất nhập khẩu thiết bị gia công sau in và sản xuất gia công giấy, vướng mắc lớn nhất là tất cả thiết bị cơ khí sản xuất bột giấy, giấy, bìa, thiết bị gia công hoàn thiện giấy, bìa giấy và thiết bị gia công sau in của ngành in và bao bì đều nằm trong quy chiếu của quyết định 18/2019/QĐ-TTg.
Ông Phạm Tuấn Vũ, Cục phó Cục Xuất bản, in và phát hành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Duy Anh. |
Trong khi đó ngành công nghiệp in và bao bì phát triển mạnh mẽ trong hàng thập kỷ qua đã cho ra đời nhiều chủng loại thiết bị, công nghệ khác nhau và hầu như không có ranh giới rõ ràng giữa thiết bị sản xuất giấy, bìa, gia công giấy và các thiết bị gia công sau in trong ngành công nghiệp in.
Bản thân những quy định quản lý các thiết bị này cũng có sự mâu thuẫn giữa Nghị định 25/2018/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung cho Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg.
Hiện nay, cơ quan hải quan cũng bị lúng túng khi vận dụng các quyết định, nghị định này trong thực tế. Mỗi nơi hiểu một kiểu dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp.
"Đây là vấn đề nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu khác cũng bị vướng mắc mà ngay như cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan (công ty giám định, trung tâm kiểm định chất lượng) cũng không chắc quy trình làm thế nào cho chuẩn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoặc lại là kẽ hở gây khó khăn và nhũng nhiễu doanh nghiệp", ông Hùng nêu.
Đây cũng là vướng mắc của Công ty Xuất nhập khẩu ngành in TP.HCM đang gặp phải khi nhập máy móc, thiết bị.
Mặt khác, khi tiến hành thực hiện quy trình xuất nhập khẩu thiết bị ngành in và bao bì theo quyết định 18/2019/GĐ-TTg, doanh nghiệp ông Hùng cũng nhận thấy quy trình kiểm định thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng quá phức tạp và không khả thi tốn kém thời gian, phát sinh tiêu cực.
Ông Hùng cho rằng quyết định đã đưa ra những tiêu chí không tưởng: Công suất hoặc hiệu suất còn lại phải đạt từ 85% trở lên so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế; mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng không vượt quá 15% so với thiết kế; công nghệ của dây chuyền công nghệ phải đang được sử dụng tại ít nhất 3 cơ sở sản xuất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD).
"Cả 3 tiêu chí này đều bất khả thi và mang tính hình thức vì không thể có tổ chức nước ngoài có thể cung cấp các chứng chỉ này. Trường hợp đặc biệt đảm bảo các chỉ tiêu trên là khi thiết bị, dây chuyền công nghệ vẫn đang hoạt động tại nước sở tại với sự thẩm định của các cơ quan chuyên ngành, khi đó chi phí cũng không thể gánh nổi", ông Hùng nói.
Đặc thù trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng thường được mua gom từ các đại lý thương mại tại các nước sở tại là máy tĩnh trong trạng thái ngưng hoạt động và thời gian lưu kho cũng rất ngắn.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội In Hà Nội, đề nghị bãi bỏ việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in, để việc đầu tư trang thiết bị do các đơn vị chủ động. Hiện nay, 80% doanh nghiệp in là loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ nên hạn chế về vốn và chủ yếu đầu tư mua các thiết bị đã qua sử dụng.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Sở Thông tin và Truyền thông Cần Thơ đề nghị đơn vị soạn thảo nghị định bổ sung cần có quy định về điều kiện nhận chế bản, in và gia công sau in (thuộc Nghị định 60/2014/NĐ-CP) cần được sửa đổi để phù hợp với điều kiện thực tế và không gây phiền hà cho doanh nhiệp.
Sở cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có quy định biện pháp chế tài trong xử lý vi phạm các quy định tại Nghị định 60 và Nghị định 25. Vì theo nghị định các cơ sở in trên địa bàn phải đăng ký hoạt động in với Sở Thông tin và Truyền thông và cơ sở photocopy phải đăng ký hoạt động với UBND cấp quận, huyện.
Nhưng trên thực tế các cơ sở này không thực hiện việc đăng ký hoạt động, cơ quan chức năng khi kiểm tra chỉ có thể nhắc nhở. Vì không có chế tài, nên việc thực thi pháp luật chưa được nghiêm.
Đồng thời sở này cũng mong sớm có văn bản hướng dẫn về tổ chức, bộ máy của Đội Liên ngành phòng chống in lậu của địa phương để đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống in lậu.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết cơ quan quản lý sẽ xây dựng nghị định sửa đổi các nghị định đang điều chỉnh ngành in. Ảnh: Duy Anh. |
Sớm xây dựng nghị định sửa đổi
Lắng nghe những ý kiến đóng góp tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ thông tin và Truyền thông, cho biết hiện nay các quy định tại nghị định chưa bao quát hết các loại hình hoạt động in.
Nạn in lậu, in giả, in trái phép diễn ra khá phổ biến. Nhiều hiện tượng in ấn, sao chụp trái phép, bất hợp pháp diễn ra thường xuyên chưa được ngăn chặn kịp thời và triệt để, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tình trạng hoạt động in không được cấp giấy phép vẫn hoạt động in xuất bản phẩm. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động in phát triển chưa được quan tâm và ban hành kịp thời.
Ông cho hay cơ quan quản lý sẽ xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động in.
Đồng thời, cục cũng sẽ xây dựng phương án sửa đổi Luật Xuất bản năm 2012 nhằm thay đổi các quy định về in xuất bản phẩm theo hướng thông thoáng, mở rộng thị trường in, đối tượng in.
Về việc góp ý, sửa đổi các nghị định, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, lưu ý các đơn vị ngành in phải tích cực cho ý kiến, góp ý, để nghị định đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, không xảy ra tình trạng nghị định mới ban hành vài năm đã phải sửa đổi, bổ sung.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói trước đây, các văn bản, nghị định đôi khi phải 5 đến 10 năm mới phải sửa đổi nhưng giờ đây có khi chỉ mới 2 đến 3 năm đã phải điều chỉnh.
Nắm bắt ý kiến của các doanh nghiệp trong thời gian qua, ông Hoàng Vĩnh Bảo nhận thấy hai Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định 25/2018/NĐ-CP là hai văn bản tác động chính đến hoạt động in. Do vậy, trước xu thế phát triển như hiện nay, hai nghị định này cần phải bổ sung, điều chỉnh các nghị định, quy định pháp luật cần thiết cho phù hợp thực tiễn.
“Hiện nay, tính dự báo của các nghị định, quy định pháp luật chưa đạt yêu cầu, vì thế khi luật ban hành thì đã có những điểm lạc hậu. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung nghị định mới cần được làm kỹ để cần đảm bảo tính khả thi và lâu dài”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.
Theo ông Bảo, việc sửa đổi, bổ sung các nghị định không chỉ là lắng nghe ý kiến, tình hình hoạt động thực tế của các doanh nghiệp, các đơn vị quản lý ngành in mà còn phải so sánh, đối chiếu với các luật khác có liên quan.
Điều này giúp phát hiện những vấn đề chồng chéo, từ đó, cơ quan soạn thảo nghị định sửa đổi đưa ra những quy định mang tính tổng thể, hài hòa, căn cứ vào mục tiêu chiến lược và quy hoạch ngành.