Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhậu tiết canh, 2 người tử vong

Chỉ trong vòng 3 ngày (3-5/7), bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 5 ca nhiễm liên cầu lợn, 2 người trong số đó đã tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, cả 5 trường hợp đều nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng huyết nặng, sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, suy đa tạng, hôn mê và bị hoại tử các đầu chi.

Trong đó có 2 trường hợp cùng nhập viện ngày 4/7 bị suy đa phủ tạng, diễn tiến nặng, đã tử vong được xác định là bệnh nhân Tâm (55 tuổi, ngụ Hoà Bình) và Nam (40 tuổi, ở Ninh Bình). Cả 2 đều có tiền sử ăn tiết canh.

Bệnh nhân Tâm ăn tiết canh thịt lợn nhà vào 1/7. Sau một ngày sốt, bệnh nhân rơi vào hôn mê, xuất hiện nhiều nốt ban ở vùng mặt, tai, tay chân...

Ngày 4/7, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương khi đã hôn mê sâu, tụt huyết áp, sốc nhiễm trùng. Đến 5/7, do diễn biến quá nặng, tiên lượng tử vong cao nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.

Tương tự, trường bệnh nhân Nam ở Ninh Bình có tiền sử nghiện rượu và ăn lòng lợn tiết canh. Bệnh nhân được chuyển vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì sốc nhiễm khuẩn và đã tử vong sau đó.

Trong số 3 bệnh nhân đang điều trị còn lại, 1 người vẫn còn hôn mê, 2 người đã được điều trị thoát sốc nhưng tiên lượng thời gian điều trị còn kéo dài và rất tốn kém.

Theo bác sĩ Cấp, hàng tháng bệnh viện vẫn tiếp nhận rải rác 4-5 ca nhiễm liên cầu lợn. Tuy nhiên dồn dập 5 ca trong 3 ngày như vừa qua là đột biến, nguyên nhân có thể do thời tiết nắng nóng, tiết canh nhiễm khuẩn để lâu là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn, liên quan đến các sản phẩm tiết canh, thịt và phủ tạng chưa được nấu chín.

Người bị bệnh có biểu hiện đa dạng nhưng hay gặp nhất là 2 thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn. Bệnh thường để lại biến chứng nặng và có thể tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Ông Phu khuyến cáo, người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Ngoài ra khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn cần sử dụng găng tay và thường xuyên rửa tay với xà phòng.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/249060/nhau-tiet-canh--2-nguoi-tu-vong.html

Theo M.Anh/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm