Các dự án được ký kết sáng ngày 16/12 ở nhà riêng của Đại sứ Nhật Bản Takio Yamada tại Hà Nội, nằm trong chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở của phía Nhật dành cho Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Yamada cho biết: “Chương trình viện trợ không hoàn lại quy mô nhỏ, cấp cơ sở sẽ giải quyết các nhu cầu cấp thiết thông qua hợp tác với đoàn thể địa phương và các tổ chức phi chính phủ (NGO)”.
“Dù quy mô từng dự án không lớn, chương trình đã triển khai ở Việt Nam khoảng 92.680 dự án, với tổng số tiền 58 triệu USD, mang lại nhiều lợi ích, niềm vui cho người dân ở địa phương”, Đại sứ Yamada nói thêm.
Dự án rà phá bom chùm tại tỉnh Quảng Bình chiếm chi phí lớn nhất trong 7 dự án được ký sáng ngày 16/12, với tổng số tiền viện trợ 636.353 USD.
Các dự án còn lại có kinh phí từ 75.000-90.000 USD, bao gồm xây dựng hệ thống nước sạch ở tỉnh Bắc Kạn, lớp học ở tỉnh Thanh Hóa và Lai Châu, đường liên bản ở tỉnh Lai Châu, cung cấp thiết bị in chữ nổi cho ba tỉnh miền Bắc, và thiết bị X-quang sàng lọc bệnh lao.
“Chính phủ Nhật Bản muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hai nước thông qua sử dụng hiệu quả công nghệ của Nhật Bản. Mong sao chương trình sẽ chạm đến trái tim người dân hai nước”, đại sứ Nhật Bản phát biểu.
Đại sứ Nhật tại Việt Nam Takio Yamada (thứ hai, từ phải) ký văn kiện dự án với đại diện của Nhóm Tư vấn Bom mìn (MAG) ở Việt Nam. Ảnh: Trọng Thuấn. |
“Phấn khởi” vì dự án mở rộng đường
Ông Lê Thanh Huy, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết “người dân rất phấn khởi” khi một xã thuộc huyện này nhận dự án viện trợ xây dựng đường liên bản có chiều dài hơn 2 km, rộng 4 m, ở nơi mà “trước chỉ là đường mòn”.
“Sẽ có tác động lớn về kinh tế - xã hội sau khi dự án kết nối được 4 bản ở xã Hố Mít, một xã khó khăn ở Tân Uyên có đa số là người Hmong; tạo thuận lợi cho đi lại, sản xuất, giao thương với các thôn bản khác, cũng như xã khác”, ông Huy nói với Zing.
Ông cho biết khi chưa có đường, việc đưa cơ giới vào đồng ruộng, di chuyển máy móc, thiết bị cày bừa “hiện tại rất khó khăn”, và kỳ vọng dự án trị giá 86.505 USD sẽ giải quyết vấn đề này.
Ông nói toàn bộ viện trợ của Nhật Bản sẽ chỉ dành vào việc xây lắp công trình, còn huyện Tân Uyên cam kết đầu tư thêm 800 triệu đồng nữa cho các chi phí khác như kiểm toán, tư vấn.
Một đại diện khác đang kỳ vọng về dự án “thiết thực và hiệu quả” của phía Nhật Bản là ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội người mù Việt Nam, khi nói về dự án cung cấp trang thiết bị chữ nổi cho hội người mù ở Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh.
Các thiết bị viện trợ bao gồm 4 máy in chữ nổi, 12 màn hình chữ nổi di động, 4 máy tính được cài phần mềm nhập chữ nổi. Dự án có giá trị 86.592 USD.
Ông Thu cho biết ba tỉnh nói trên hoặc chưa có máy in chữ nổi, hoặc có máy cũ, hỏng.
“Lợi ích của máy in chữ Braille là hỗ trợ hiệu quả cho mọi tầng lớp người khiếm thị, nhất là người trẻ, có điều kiện tham gia học tập, làm việc, được hỗ trợ trong cuộc sống. Ví dụ khi họ muốn in luật Lao Động ra để người khiếm thị học bằng chữ Braille”, ông Thu nói với Zing.
Theo tài liệu phát tại lễ ký, Việt Nam hiện có 600.000 người mất thị lực hoàn toàn và hơn một triệu người có thị lực rất yếu.
Hội người mù Việt Nam hàng năm ghi nhận nhu cầu ít nhất 1 triệu trang tài liệu dạy học phổ thông và dạy nghề bằng chữ nổi, nhưng do thiếu máy nên chỉ in được khoảng 50%, khiến nhiều học sinh không có đủ tài liệu.
Rà phá bom mìn ở Quảng Bình
Dự án nhận được gói hỗ trợ lớn nhất của Nhật Bản đợt này là rà phá bom mìn ở huyện Bố Trạch và huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Đơn vị thực hiện dự án là Nhóm Tư vấn Bom mìn (Mines Advisory Group - MAG).
“Quảng Bình là một trong số những tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nhất cả nước do vị trí nằm sát ngay khu phi quân sự trong chiến tranh”, bà Lê Anh Thư, cán bộ chương trình của MAG, phát biểu tại lễ ký.
Theo bà Thư, nhờ hỗ trợ của Nhật Bản, MAG đặt mục tiêu triển khai 134 buổi giáo dục bom mìn tới 2.459 người ở các khu vực có nguy cơ cao. Gần 9 triệu m2 đất sẽ được khảo sát và hơn 2,4 triệu m2 đất sẽ được rà sạch, mang lại khu đất an toàn cho hơn 600 người dân.
Đội rà phá bom mìn MAG chuẩn bị hủy nổ quả bom M117 340 kg được phát hiện tại hồ cá xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: MAG Việt Nam. |
Trao đổi với Zing, bà Helene Kuperman, giám đốc quốc gia của MAG tại Việt Nam, cho biết chưa thể khẳng định đã rà phá bao nhiêu trong tổng số bom mìn còn sót lại ở Quảng Bình.
“Chúng tôi chưa biết chính xác mức độ ô nhiễm bom mìn vì hoạt động khảo sát theo hệ thống trên phạm vi toàn tỉnh vẫn chưa hoàn thành”, bà Kuperman cho biết.
“Từ kinh nghiệm 20 năm hoạt động ở Việt Nam và ở tỉnh Quảng Trị, chúng tôi biết rằng số lượng bom đạn còn sót lại rất lớn”, bà nói.
Bà cho biết việc rà phá bom mìn một cách hệ thống ở huyện Bố Trạch và huyện Quảng Ninh đang “gần hoàn tất”. MAG sẽ sớm triển khai rà phá một cách có hệ thống ở các huyện khác của Quảng Bình, đồng thời vẫn sẽ xử lý ngay nếu bom mìn được người dân phát hiện ra.
Trong 7 dự án, áp dụng công nghệ Nhật Bản rõ rệt nhất là dự án cung cấp máy chụp X-quang di động cho một công ty chuyên sàng lọc bệnh lao cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Hiện bệnh lao vẫn là gánh nặng lớn với Việt Nam. Mỗi năm nước ta có khoảng 170.000 người nhiễm bệnh lao, nhưng tới 65.000 người chưa được điều trị bởi chương trình chống lao quốc gia, theo ông Phạm Quang Dũng, giám đốc công ty IRD Việt Nam - đơn vị nhận các máy chụp X-quang di động.
Để giảm số người tử vong, việc tầm soát người có nguy cơ cao thông qua các sự kiện chụp X-quang lưu động là rất quan trọng. Nhưng việc vận chuyển xe X-quang lưu động đang là rào cản ở các vùng sâu vùng xa, hải đảo.
Máy X-quang cầm tay sẽ giúp triển khai các buổi tầm soát bệnh lao lưu động dễ dàng hơn tới vùng sâu vùng xa, hải đảo. Ảnh: IRD Việt Nam. |
“Vì vậy, dự án này sử dụng giải pháp kỹ thuật mới nhất từ Nhật Bản. Đó là một chiếc máy X-quang cầm tay của Fujifilm, không lớn hơn máy chụp ảnh cầm tay là mấy, cùng kỹ thuật đọc phim bằng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng của Fujifilm”, ông Dũng cho biết.
Chỉ tiêu của dự án 87.211 USD này là thực hiện tổng cộng 80 ngày sàng lọc X-quang lưu động, mỗi ngày chụp 300 người, gồm những nhóm nguy cơ cao.
Phạm vi dự kiến của dự án bao gồm một số địa bàn vùng núi như Lại Xuân, An Sơn (Hải Phòng), Phước Sơn (Quảng Nam), và hải đảo như Tân Hiệp (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cát Bà (Hải Phòng).
Các máy chụp X-quang cầm tay vẫn sẽ được công ty IRD dùng trong các dự án tầm soát bệnh lao sau này, theo ông Dũng.
Việc phát hiện sớm bệnh lao “không chỉ có ý nghĩa với người bệnh mà cả gia đình và cộng đồng, vì bệnh lao lây qua đường không khí. Nếu phát hiện và đưa được người bệnh vào chương trình điều trị lao, uống thuốc đều đặn thì có thể chữa và phòng bệnh cho người thân”, ông Dũng nói với Zing.
Xây dãy nhà mới cho trường ở Thanh Hóa, Lai Châu
Ba dự án còn lại là ở Bắc Kạn, Thanh Hóa và Lai Châu.
Dự án ở Bắc Kạn là lắp mới hệ thống nước sinh hoạt tại xã Tân Lập - một xã vùng núi cách xa nguồn nước và đang phải sử dụng hệ thống nước xuống cấp. Vào mùa nóng, người dân thiếu nước uống. Vào mùa mưa, chất thải của gia cầm, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm nguồn nước, dễ gây ra dịch tiêu chảy.
Dự án trị giá 76.799 USD sẽ bao gồm 1 đập chứa nước, 1 bể chứa nước, 1 bể lọc, đường ống cấp nước 8.796 m, do UBND xã Tân Lập thực hiện.
Ông Ma Thanh Lê, Chủ tịch UBND xã Tân Lập (trái, cầm văn kiện) đứng cạnh Đại sứ Nhật Bản Takio Yamada. Ảnh: Trọng Thuấn. |
Dự án ở Thanh Hóa trị giá 87.608 USD để xây dựng lớp học cho tiểu học Thượng Ninh ở xã Thượng Ninh. Trường này đang thiếu hụt phòng học và cũng bị bão làm hư hỏng mái nhà, thiết bị.
Ở Lai Châu, dự án trị giá 86.765 USD để xây dựng dãy nhà học mới trong điểm trường Cao Chải, thuộc mầm non Tà Tổng, huyện Mường Tè. Điểm trường này chưa có phòng học kiên cố, học sinh đang học tại phòng tạm.
92 học sinh mầm non phải chia thành 2 lớp, không đạt yêu cầu của Bộ Giáo dục do số lượng quá đông. Sau dự án, học sinh sẽ được chia thành 3 lớp. Bếp và nhà vệ sinh cũng sẽ được xây mới.