Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị Á - Phi ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters |
Hãng tin Reuters ngày 26/6 cho biết nội dung thỏa thuận này xác định các biện pháp thông tin liên lạc giữa các tàu và máy bay quân sự của 2 nước trong các cuộc chạm trán bất ngờ trên biển. Mục đích nhằm giảm nguy cơ đối đầu quân sự.
Do Trung Quốc đang bành trướng quân sự và Nhật Bản đang tìm cách mở rộng các hoạt động của Lực lượng phòng vệ ra các vùng biển khác biển Hoa Đông như Biển Đông, nên khả năng chạm trán giữa các lực lượng hải quân 2 nước đang tăng cao.Theo nhật báo Mainichi, quy định thông tin liên lạc sẽ áp dụng cho các cuộc chạm trán ở những vùng biển sâu và vùng không phận quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng muốn mở rộng thỏa thuận này bao phủ cả các vùng biển thuộc lãnh thổ của mỗi bên.
“Chúng tôi đã hoàn tất một số phần của thỏa thuận ngày 19/6 và tin rằng việc này là cần thiết để thực thi cơ chế tránh đối đầu này thật nhanh, chính vì thế chúng tôi tiếp tục thảo luận”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết.
Trong khi Nhật Bản quan tâm nhiều đến Biển Đông, xem đây là các vùng biển quốc tế, Trung Quốc lại đang có những động thái đòi chủ quyền bất hợp pháp ở đây.
Hai ngày trước, Nhật Bản và Philippines triển khai máy bay tuần tra đến gần vùng biển tranh chấp ở Biển Đông bất chấp cảnh báo của Trung Quốc.
Máy bay săn ngầm P-3C Orion của Nhật Bản và BN-2 Islander của Philippines hôm 24/6 thực hiện chuyến bay thứ 2 trên không phận cách đảo Palawan khoảng 93 km về phía tây bắc.