Nhật thực một phần được quan sát ở thành phố Brigham, bang Utah, Mỹ năm 2014. Ảnh: AP |
Theo Timeanddate.com, người dân ở Indonesia, khu vực miền Trung và Đông Thái Bình Dương có cơ hội ngắm nhật thực toàn phần vào ngày 9/3.
Các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và Australia sẽ quan sát được hiện tượng nhật thực một phần.
Tại Indonesia, nhật thực toàn phần dự kiến bắt đầu từ 6h30 (giờ địa phương) và kéo dài trong vài phút.
Hiện tượng nhật thực xảy ra khi mặt trăng đi qua giữa trái đất và mặt trời. Nhật thực một phần xảy ra khi mặt trăng che khuất một phần của mặt trời.
Việc quan sát nhật thực trực tiếp bằng mắt thường có thể gây tổn thương cho mắt. Các nhà khoa học khuyến cáo người quan sát nên sử dụng thiết bị hoặc dụng cụ khi chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú này.
Chia sẻ với Zing.vn, anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam, cho biết tại Hà Nội, hiện tượng che khuất sẽ bắt đầu từ khoảng 6h57 và kéo dài đến 8h39. Tại TP HCM, hiện tượng sẽ bắt đầu lúc 6h35 và kết thúc lúc 8h41. Tất cả các tỉnh thành trên cả nước có thể theo dõi nhật thực, nhưng tỷ lệ che khuất sẽ không giống nhau. Càng vào phía nam, tỷ lệ che khuất càng lớn. Theo anh Sơn, tỷ lệ che khuất ở TP HCM là khoảng 80%, trong khi tại Hà Nội chỉ khoảng 20%.
Để quan sát nhật thực, người yêu thiên văn có thể lựa chọn địa điểm là các toà nhà cao tầng và hướng về phía đông. Vì nhìn trực tiếp bằng mắt thường sẽ ảnh hưởng đến võng mạc, anh Sơn khuyến cáo người xem có thể đeo kính râm (nhìn dưới 30 giây) hoặc sử dụng các thiết bị chuyên dụng như kính quan sát mặt trời.
Hội Thiên văn Hà Nội dự kiến tổ chức quan sát nhật thực ngày 9/3 tại khu vực bán đảo Linh Đàm.