Nhật 'tân trang' quân đội, sẵn sàng cho khả năng giao tranh
Đảng cầm quyền LDP của Nhật Bản vừa đề xuất cải cách toàn diện các lực lượng vũ trang nước này để chuẩn bị cho khả năng xảy ra giao tranh với nước khác.
Vừa qua, Đảng dân chủ tự do Nhật Bản (LDP) đã thống nhất kế hoạch tân trang các lực lượng bộ binh và hải quân của nước này trên quy mô lớn. Công cuộc hiện đại hóa sẽ tập trung vào nhiệm vụ thành lập Quân đoàn thủy quân lục chiến, tăng cường tính hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không cũng như trang bị cho quân đội và hải quân các vũ khí hiện đại tấn công căn cứ hải quân của kẻ thù.
Hôm 30/5, Hội đồng quốc phòng của đảng LDP đã thông qua bản sơ thảo kế hoạch “tân trang” toàn diện của nước này. Bản kế hoạch được thông qua nhằm tiến tới mục tiêu chuyển đổi Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản thành một lực lượng quân đội đầy đủ. Sau Chiến tranh thế giới lần II, giới chức Nhật Bản không được phép có các lực lượng vũ trang đúng nghĩa. Nhật Bản không được phép có vũ khí tấn công như máy bay ném bom, bệ phóng tên lửa tầm ngắn và tầm xa.
Các binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. |
Các cựu bộ trưởng Shigeru Ishiba và Gen Nakatani là các tác giả chính kế hoạch “tân trang qui mô lớn” của Nhật Bản. Hai ông đã thảo ra bản thảo kế hoạch này để đảng LDP phê chuẩn và gửi tới chính phủ xem xét. Theo, ông Shigeru Ishiba, các qui định hạn chế quân đội Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới lần II đã trở nên lỗi thời.
Trên thực tế, Nhật Bản đang phát triển rất tích cực Các lực lượng phòng vệ và hiện đất nước mặt trời mọc đang đứng thứ 5 trên thế giới xét về chi tiêu quân sự. Mỗi năm Nhật chi khoảng 44 tỷ USD cho vũ khí nhưng không được phép sản xuất tên lửa hành trình thuộc mọi tầm bắn và máy bay ném bom chiến lược, có khả năng tiến hành các cuộc tấn công qui mô lớn.
Ông Shigeru Ishiba cho rằng đã đến lúc Nhật Bản phải có quyền xây dựng một lực lượng quân đội đầy đủ. Ông nói thêm rằng cần phải sửa Hiến pháp để bỏ đi cái tên “các lực lượng phòng vệ”. Ông cho rằng người Nhật Bản sẽ không bao giờ từ bỏ chiến tranh trong việc giải quyết các cuộc xung đột với quốc gia khác.
Nếu bản thảo sửa đổi Hiến pháp có hiệu lực, quân đội Nhật Bản có thể tiến hành một cuộc không kích toàn lực nhắm tới các căn cứ quân sự của kẻ thù cũng như tăng cường tính hiệu quả của các lực lượng phòng thủ tên lửa trong tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng. Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ xây dựng các đơn vị thủy quân lục chiến để bảo vệ các hòn đảo của nước này trên Thái Bình Dương, giống như nước này đã làm hồi Chiến tranh thế giới lần II. Vào thời đó, Nhật Bản chiến đấu chống lại Mỹ - quốc gia hiện đang là đồng minh thân cận nhất của nước này.
Trước hết, giới chức Nhật Bản muốn giải quyết vấn đề năng lực không kích vào các căn cứ quân sự của kẻ thù. Theo một tài liệu của chính phủ Nhật Bản, tình hình quan hệ Nhật Bản – Triều Tiên xấu đi nghiêm trọng có thể sẽ buộc chính phủ Nhật trong tương lai phải thực thi một vài cuộc không kích vào cở sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Nhưng trước tiên quân đội Nhật Bản phải được trang bị các tên lửa hành trình tầm ngắn và máy bay ném bom chiến lược.
Triều Tiên đã nhiều lần đe dọa sẽ không kích vào lãnh thổ Nhật Bản. Trước tiên, Triều Tiên sẽ không kích vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. Cho tới nay, mối quan hệ Nhật Bản – Triều Tiên vẫn luôn hết sức căng thẳng và Triều Tiên đã điều động các bệ phóng tên lửa tới bờ biển phía đông nước này và sẵn sàng khai hỏa bất kì lúc nào.
Vừa qua, một đại diện của Triều Tiên đã tới Tokyo bàn về việc bình thường hóa mối quan hệ giữa hai nước nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng cuối cùng Triều Tiên đã dừng các hành động khiêu khích chống lại Nhật Bản và sẵn sàng hợp tác Tuy nhiên ông cho biết phía Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục thận trọng và theo dõi sát sao mọi động thái của Bình Nhưỡng trong tương lai.
Chính quyền Nhật còn có các mối lo ngại khác bên cạnh mối đe dọa từ Triều Tiên. Mối quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc đã xấu đi trong những năm gần đây và đó là lí do tại sao đảng LDP cầm quyền đề xuất thành lập các đơn vị thủy quân lục chiến đề phòng trường hợp Nhật Bản bị nước ngoài tấn công. Trước tiên, có khả năng một cuộc tấn công như vậy sẽ xảy ra đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông mà Nhật Bản đang kiểm soát còn Trung Quốc cũng tuyên bố đây là lãnh thổ của mình.
Vừa qua tại một hội nghị diễn ra ở Potsdam, Đức, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường công khai tuyên bố Nhật Bản đã ăn trộm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ Trung Quốc và sẽ sớm phải trả lại quần đảo này. Ông Lý cho rằng sau Chiến tranh thế giới lần II, Nhật Bản đã kí một tuyên bố, theo đó nước này cam kết trả lại tất cả những quần đảo đã chiếm đóng cho Trung Quốc.
Đáp lại, chính quyền Nhật lên án tuyên bố khiếm nhã của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng tuyên bố của Trung Quốc đã phớt lờ lịch sử và Nhật Bản không thể đồng ý về bất kì điểm nào. Ông Suga cũng nói thêm rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc về Nhật Bản xét cả về mặt lịch sử và truyền thống. Ngày nay Nhật Bản đang sở hữu quần đảo này và tuyên bố của Trung Quốc chỉ là quan điểm từ một phía.
Sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra tuyên bố nói trên, chính quyền Nhật Bản đã ra quyết định trang bị cho các lực lượng vũ trang nước này xe lội nước đổ bộ AAV7 và “siêu trực thăng” V-22 OSPREY do Mỹ chế tạo.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot được tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản. |
Valery Kistanov, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Viễn Đông, cho rằng các vũ khí tấn công của Nhật Bản có thể nhắm tới bất kỳ hướng nào.
“Tất nhiên, trước tiên các vũ khí của Nhật sẽ nhắm tới Triều Tiên và sau đó là Trung Quốc. Nhật Bản đang tăng cường các hệ thống tên lửa do sức mạnh tên lửa và hạt nhân của Trung Quốc ngày càng tăng”, ông nói.
Dù thế nào, Nhật Bản chắc chắn sẽ chi hàng tỷ đô la cho ngành công nghiệp quốc phòng.
Theo các nhà phân tích tình hình chính trị và các chính trị gia Nhật Bản, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình trên bán đảo Triều Tiên và tự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc. Hai yếu tố này được coi là mối đe dọa đối với Nhật Bản và do đó nước này sẽ tích cực vũ trang cho các lực lượng phòng vệ của mình.
Chính phủ Nhật Bản đã tăng chi tiêu cho ngành công nghiệp quân sự tập trung chủ yếu và thay đổi vũ khí cho không quân. Chính phủ Nhật dự định sẽ cải tiến tiêm kích F-35 tiên tiến của Mỹ bằng cách trang bị thêm vũ khí tấn công trực tiếp đồng loạt JDAM, giúp tăng độ chính xác cho các cuộc không kích.
Ngoài ra, Nhật Bản dự định đến năm 2014 sẽ tiến hành thử nghiệm máy bay chiến đấu “tàng hình” đầu tiên của nước này. Nhật đã đầu tư 470 triệu USD để chế tạo máy bay tàng hình. Dự án này được tập đoàn Mitsubishi bắt đầu vào năm 2009. Máy bay tàng hình đầu tiên của quân đội Nhật Bản sẽ có tên gọi “Sin-sin” và sẽ sử dụng công nghệ tàng hình của Mỹ.
Việc Nhật Bản tăng chi tiêu quân sự khiến một số nước châu Á lo ngại. Trung Quốc phản đối kế hoạch thành lập quân đội của Nhật Bản. Một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các quốc gia châu Á và cộng đồng thế giới nên đặc biệt chú ý tới những nỗ lực củng cố các lực lượng vũ trang của Nhật Bản. Vị quan chức này cũng nhắc nhở rằng chính Nhật Bản là quốc gia đã khơi mào Chiến tranh thế giới lần II ở châu Á.
Riêng Mỹ, đồng minh của Nhật Bản, lại ủng hộ kế hoạch mở rộng năng lực quân sự của Tokyo. Hiện 50.000 quân Mỹ đang đóng quân tại Nhật Bản. Việc Tokyo củng cố năng lực quốc phòng sẽ giúp Washington có bàn đạp để gây sức ép với Trung Quốc.
Tùng Lâm
Theo Infonet