Nhật Bản tính lập đơn vị tái chiếm đảo xa
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang cân nhắc thành lập một đơn vị mới có nhiệm vụ tái chiếm các đảo xa xôi dễ bị nước ngoài xâm chiếm, giới chức nước này cho biết.
Kế hoạch này được tiết lộ trong cuộc họp của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP), nhằm đáp trả việc các tàu Trung Quốc thường xuyên hiện diện gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa hai nước.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hy vọng việc thành lập đơn vị tái chiếm đảo xa này sẽ nằm trong bản phác thảo chương trình quốc phòng, sau khi có những phân tích đánh giá rằng, các lực lượng hiện nay không đủ khả năng bảo vệ các khu vực đảo xa, giới chức nước này cho biết.
Thời gian qua, Trung Quốc hành xử ngày càng quyết đoán đối với vấn đề chủ lãnh hải, đặc biệt ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Như một phần nỗ lực tăng cường tiềm lực quân sự bảo vệ khu vực đảo này cũng như các khu vực đảo xa xôi khác, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đề xuất sử dụng các tàu thương mại và máy bay để triển khai binh sĩ của Lực lượng Phòng vệ nhanh hơn khi xảy ra tình huống bất ngờ.
Tàu chiến Nhật Bản đến Mỹ để tham gia tập trận. |
Hiện nay, một trung đoàn bộ binh thuộc Lực lượng Bảo vệ Mặt đất của Nhật Bản đang đồn trú ở Nagasaki, thực hiện nhiệm vụ tương tự lính thủy đánh bộ của Mỹ, chuyên trách bảo vệ những đảo mà Tokyo tuyên bố chủ quyền. Nguồn tin cho biết thêm, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng có kế hoạch mở rộng trung đoàn bảo vệ các khu vực bảo vệ đảo xa lên tới 680 binh sĩ trong năm tài khóa này, và việc thành lập đơn vị mới sẽ giúp tăng cường khả năng tác chiến của quân đội Nhật. Đơn vị mới này sẽ thực hiện các cuộc diễn tập chung với đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ.
Ngày 11/6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tuyên bố cần nghiên cứu tính sẵn sàng của Lực lượng Phòng vệ nước này khi cần tấn công căn cứ kẻ thù. “Chúng ta cần nghiên cứu “khả năng” (tác chiến) bởi đó là vấn đề quan trọng”. Thủ tướng Abe nói trong cuộc họp với các nghị sĩ LDP.
Tuy nhiên, về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Itsunori Onodera lại nhấn mạnh quan điểm thận trọng khi phát biểu trong một cuộc họp báo rằng, “dù không gặp phải vấn đề gì về mặt pháp lý nếu Nhật Bản sở hữu năng lực tấn công căn cứ đối phương, nhưng vẫn cần tiến hành nhiều cuộc thảo luận khác” nhằm giành được sự ủng hộ từ các quốc gia láng giềng.
Những đề xuất tăng cường tiềm lực quân sự để bảo vệ các khu vực đảo xa của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực hàng hải, theo đó Nhật Bản cần trang bị máy bay vận tải MV-22 Osprey của Mỹ.
Trong một diễn biến có liên quan, lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng đang tiến hành tập trận tái chiếm đảo cùng quân đội Mỹ ở California, trong đó nội dung tập trận có cả khoa mục đổ bộ bằng trực thăng tối tân MV-22 Osprey để tấn công, giành quyền kiểm soát đảo. Loại máy bay này sẽ thực hành đáp xuống tàu chiến của Tokyo. Lâu nay, MV-22 Osprey luôn được đánh giá là dòng trực thăng tiên tiến, có khả năng chở nhiều binh sĩ vượt qua quãng đường dài. Mỹ cũng đã điều động một số MV-22 Osprey đến đồn trú tại Nhật Bản.
Thanh Hương
Theo Infonet