Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng trong lời tựa cuốn sách đã viết: “Con người tác giả Trương Hòa Bình giống như một tờ giấy có hai trang, một trang là cuộc sống với công việc bề bộn hàng ngày của một vị lãnh đạo trong chính phủ; còn một trang khác là thế giới tinh thần phong phú đầy sắc màu và trong sáng của ông”.
Tuyển tập Tiếng vọng hồn sông núi - kết quả của nhiều chuyến đi tới các địa danh trong và ngoài nước và những cuộc gặp gỡ thân tình với con người từng vùng, miền - là minh chứng cho điều đó.
Cuốn sách vừa ra mắt độc giả, do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành.
Tuyển tập Tiếng vọng hồn sông núi. Ảnh: H.T. |
Trang nhật ký ghi lại những dấu chân
Những nơi tác giả Trương Hòa Bình có dịp đến thăm và công tác, những con người, sự việc ở nẻo sâu, vùng xa của Tổ quốc đều được ông tái hiện bằng xúc cảm thi ca, chứa đựng tình cảm ông dành cho dân tộc.
Tuyển tập gồm ba phần chính không quá tách rời, tạo nên bức tranh “hồn sông núi” vẹn tròn.
Phần 1 - Dặm đường thiên lý - gồm 33 bài thơ; Linh thiêng Việt Nam là phần 2, gồm 19 bài; và phần 3 - Những ngọn gió đam mê - gồm 18 bài. Cuối tập thơ là 9 ca khúc (từ nhạc trẻ đến cải lương, vọng cổ) được phổ nhạc từ lời thơ của ông.
Ở mỗi bài thơ, tác giả Trương Hòa Bình đều để lại ngày, tháng, năm sáng tác. Tiêu đề các bài thơ cũng được ông dụng ý lồng ghép tên địa danh như một phương cách đánh dấu các vùng, miền ông đã đặt chân tới, chẳng hạn như Hà Tĩnh núi ngàn xanh biếc, Nhớ Sài Gòn, Phải lòng Tây Bắc, hay Điện Biên mùa chớm thu...
Bên cạnh những địa điểm trong nước, tác giả còn ghi lại hành trình, tình cảm của mình khi đặt chân tới những quốc gia khác qua những chuyến đi vì công vụ: Bắc cực quang - Đêm trắng - Phần Lan nói về đất nước Phần Lan, hay Hoàng hôn Varadero viết về Cuba...
“Những trang nhật ký đó không coi nặng về tháng ngày, sự kiện, những biến thiên thời sự hay những mảng miêu tả hoặc ghi chép ngổn ngang. Mà nó là nhật ký của những cung bậc tâm hồn”, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng viết.
Tiếng lòng “vọng hồn sông núi”
Nhà thơ Thanh Thảo trong lời bạt cuối sách nhận xét thơ của tác giả Trương Hòa Bình có lúc như nhật ký, lúc lại như hồi ký, cũng có lúc trải ra bát ngát như một bản trường thiên, từ cực Bắc Lũng Cú tới Cực Nam đất Mũi Cà Mau đều in đậm dấu chân vị chính khách này.
Tác giả Trương Hòa Bình hiện là Phó thủ tướng Thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh: Thanh Đức. |
Những vần thơ ấy không chỉ là quan sát của vị du khách vãng lai “tức cảnh sinh tình”, mà còn là kết quả của sự rung động từ tiếng lòng cất lên để “vọng hồn sông núi”.
Trong những chuyến đi đó, tác giả không giống khách du lịch thưởng ngoạn vẻ đẹp từng địa danh, "check in" bằng vài kiểu ảnh. Nhà thơ “ghim tình cảm của mình vào trầm tích lắng sâu của lịch sử” và “trò chuyện như một nhân vật trữ tình”, theo lời bạt của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái.
Đọc tuyển tập Tiếng vọng hồn sông núi, độc giả dễ dàng cảm nhận được sự đa dạng về đề tài và phong cách thể hiện. Thể thơ lục bát chiếm ưu thế, nhưng lòng nhiệt thành với thơ khiến tác giả còn thử sức qua nhiều thể thơ khác, từ tự do dến ngũ ngôn, lục ngôn...
Song, rõ nét hơn cả không phải phương cách tác giả lựa chọn để trải lòng với sông núi và con người, mà là cảm xúc chân thành nhưng sâu lắng. Điều đó thể hiện rõ nét qua những câu thơ đồng cảm khi viết về nỗi gian truân cũng như niềm vui, hạnh phúc của người lao động.
Theo GS.TS Nguyễn Huy Hoàng, mạch tình cảm thương nhớ là lý tưởng thẩm mỹ xuyên suốt cả tập thơ. Nó như những “mao mạch từ một nguồn động mạch chảy theo nhịp đập của một con tim tràn đầy tính nhân văn và khát vọng”, và dường như bài thơ nào cũng nằm trong quỹ đạo thống nhất ấy, bất kể nó được viết về quê hương, tình yêu hay huyền thoại.
“Sự chân thành, không lên gân cốt, không cường điệu, nhưng không hề thô mộc là những yếu tố chủ đạo đã dệt nên tấm tình chân chất, quê kiểng của người cầm bút”, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng viết.