Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhật ký của nữ phi hành gia Italy đầu tiên

Trong không gian, Mặt Trời mọc và lặn 16 lần/ngày. Những hành động như ăn, ngủ, đánh răng hay cắt tóc đều rất khác ở mặt đất.

Nu phi hanh gia dau tien cua Italy anh 1

Câu chuyện về hành trình của người phụ nữ Italy Samantha Cristoforetti trở thành phi hành gia được ghi lại trong cuốn sách Diary of an Apprentice Astronaut, sẽ phát hành ngày 27/8.

Trước khi đặt chân vào con thuyền du hành vũ trụ, người phụ nữ 43 tuổi dành 5 năm để tập luyện với các khóa học căng thẳng.

Nữ phi hành gia đi từ Houston (Mỹ) đến Nhật Bản rồi đặt chân đến Star City của Nga. Bà dành nhiều giờ trong máy ly tâm, tàu vũ trụ, tàu ngầm mô phỏng và thực hành đi bộ ngoài không gian.

Ngày 23/11/2014, bà bước vào con tàu vũ trụ cùng 2 bạn đồng hành, thực hiện chuyến bay đến Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS).

Cuộc sống ngoài không gian

Trong con tàu đưa nhóm phi hành gia bay vào không gian ngày 23/11/2014, Samantha Cristoforetti là phụ nữ duy nhất. Cuốn sách là những trang nhật ký mà bà qua trong 199 ngày đặc biệt. Đó là giây phút đặt chân đến Trạm vũ trụ Quốc tế, những niềm vui và thử thách ở ngoài không gian. Đó còn là xúc cảm khi chứng kiến thiên nhiên với loạt cảnh tượng tuyệt vời hay Trái Đất nhìn từ trên cao.

Chạy không trọng lượng là như thế nào? Làm thế nào để nấu ăn trong không gian? Đánh răng và tắm ở vũ trụ ra sao? Những câu hỏi đó đều được Samantha Cristoforetti ghi lại và lý giải.

Những người thân yêu đã tặng cho Cristoforetti nhiều món đồ trang sức để bà đưa lên trạm vũ trụ. Số kỷ vật đó khiến nữ phi hành gia mỗi khi nhìn thấy đều không khỏi xúc động và tưởng tượng nó như “bức tranh lơ lửng về Trái Đất”.

Cristoforetti lo lắng về khoảng cách của những phi hành gia sau hành trình chu du ngoài không gian với người khác trên mặt đất và viết về nó trong cuốn nhật ký Diary of an Apprentice Astronaut của mình.

“Có chút đáng sợ. Vâng, mọi người nhìn bạn theo cách khác. Nó kém tự nhiên và tôi khó có thể tìm thấy mối quan hệ nào khiến mình tin tưởng”, nữ tác giả viết.

Vào cuối tuần, Cristoforetti sẽ đi thăm thú “chiếc kén” nơi mình sống gần 7 tháng. Bà vẫn cần cắt mái tóc mọc dài dựng ngược, thưởng thức giọng hát khàn của nghệ sĩ crooner người Italy Paolo Conte. Mỗi khi chạy bộ, nữ phi hành gia xem các tập phim của Battlestar Galactica.

The Guardian đánh giá cuốn sách của Cristoforetti “chứa đầy những điều kỳ quặc”. Đó là thói quen nghe đọc truyện Harry Potter bằng tiếng Nga để thực hành ngôn ngữ; băn khoăn về loại kem dưỡng ẩm nào nên dùng hay cách bà đắn đo để lại dòng tin nhắn cho ai đó liên lạc với mình: “Tôi sẽ rời hành tinh một thời gian và trở lại vào tháng 5/2015. Rất tiếc, tôi sẽ không đọc tin nhắn của bạn”.

Hôm nay, tôi thức giấc trên Trái Đất và sẽ ngủ vùi trong không gian.

Samantha Cristoforetti

Bà viết: “Thứ bảy là ngày dọn phòng, chúng tôi sẽ quét lên trạm vũ trụ để giảm tế bào vi sinh vật. Vấn đề lớn nhất là hút bụi. Trên Trái Đất, bụi lắng xuống còn ở ngoài không gian, chúng bay lửng lơ. Chúng tôi phải hút bụi cho các bộ lọc, bề mặt, sau đó dùng khăn lau khử trùng cho bất kỳ thứ gì đã chạm tay vào.

Thời gian trên ISS trôi qua rất nhanh. Nhưng 2 tháng sau, tôi như thấy mình đã ở đó cả đời. Tôi không thể nhớ được cảm giác chân chạm đất khi đi bộ. Không trọng lượng khi đó là thứ gì đó rất đỗi tuyệt vời”.

Cuộc sống của các phi hành gia đầy ắp những điều đầu tiên cùng nhiều cơ hội trải nghiệm các cảm giác mới lạ. Chẳng hạn, Cristoforetti là người đầu tiên pha cà phê espresso trong không gian. Nhưng điều đặc biệt nhất khiến nữ phi hành gia thích thú, đó là cảm giác không trọng lượng.

Bà chia sẻ trong cuốn sách: “Tôi nhớ cảm giác lơ lửng nhẹ nhàng đó. Tôi thật sự thích cuộc sống ở đó (ngoài không gian - PV). Nó đơn giản, trọn vẹn và ý nghĩa trong từng việc bạn làm”.

“Đi từ trần tục đến siêu phàm chỉ trong tích tắc”

Đó là lời nhận xét của Cristoforetti khi nói về cuộc sống ngoài không gian. Hàng ngày, công việc kiểm tra máy móc, đo đạc và theo dõi hình ảnh vệ tinh của họ sẽ bị gián đoạn bởi cực quang và những cơn mưa rào. Thỉnh thoảng, Trái Đất sẽ lướt qua các cửa sổ lớn của tàu vũ trụ, gợi cho phi hành đoàn nỗi nhớ nhà khó tả.

Khoảng thời gian ở trên không gian, Cristoforetti lần lượt chứng kiến những cảnh tượng rất đẹp. Đó là khi thế giới xung quanh nhuốm màu xanh, đỏ; những cơn lốc xoáy tàn phá bên dưới nhưng không chạm tới khoảng không tĩnh lặng mà họ đang đứng.

Bà cũng có thể ngắm nhìn sa mạc Namibia, vùng Caribe màu chàm pha lẫn ngọc lục bảo hay các đảo san hô vắng bóng người bất kể khi nào. Cristoforetti miêu tả giây phút đó là lúc “đắm chìm trong vẻ đẹp tuyệt trần, ngập tràn trong sự lộng lẫy của những vì sao”.

Đằng sau hành trình phi thường

Nữ phi hành gia 43 tuổi từng thuộc lực lượng không quân Italy. Bà được nhận vào Học viện Không quân Mỹ và tốt nghiệp năm 2005. Sau đó, Cristoforetti tham gia chương trình Đào tạo Phi công Phản lực của Euro-NATO tại căn cứ Không quân Sheppard, Mỹ. Năm 2009, bà được chọn làm phi hành gia ESA và chính thức gia nhập tổ chức này vào tháng 9.

Ngày 23/11/2014, Cristoforetti trở thành một trong ba phi hành gia trên con tàu vũ trụ bay vào không gian từ sân bay Baikonur ở Kazakhstan. Ngày 11/6/2015, bà trở về Trái Đất, trải qua 199 ngày lơ lửng trong vũ trụ.

Ngoài tiếng mẹ đẻ, phi hành gia Cristoforetti còn thông thạo 4 ngoại ngữ khác là tiếng Anh, Pháp, Đức và Nga. Năm 2016, bà học thêm tiếng Trung.

Nu phi hanh gia dau tien cua Italy anh 16

Cuốn sách Diary of an Apprentice Astronaut, dự kiến phát hành ngày 27/8. Ảnh: Amazon.

199 ngày sống trên Trạm ISS, nữ phi hành gia đã thực hiện thành công thí nghiệm do Cơ quan Vũ trụ Italy (ASI) đề ra. Đó là phân tích sinh thiết học, nghiên cứu về sinh lý cơ thể, sử dụng máy in 3D chế tạo các bộ phận thay thế cho Trạm vũ trụ Quốc tế...

Nó thuộc chương trình “Futuro” (trong tiếng Italy nghĩa là ‘Tương lai’).

Trong cuốn sách chứa đầy những quan sát mà bà gọi là “viễn cảnh vũ trụ”, Cristoforetti kể về câu chuyện phía sau cuộc hành trình đặc biệt.

“Mọi người hay kỳ vọng phi hành gia sẽ mang theo những điều vĩ đại khác thường. Nhưng không, bạn vẫn là bạn nhưng có cái nhìn, cảm quan sâu sắc hơn”, bà viết.

90% phi hành gia là nam giới. Chính vì vậy, cuộc du hành ngoài không gian của Cristoforetti trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều cô gái khám phá khoa học. Tuy nhiên, người phụ nữ này không muốn được công chúng ngợi ca vì giới tính.

Bà thừa nhận trong cuốn sách: “Tôi có lẽ đã trải qua sự phân biệt đối xử tựa như rất mơ hồ. Những bộ quần áo EMU sử dụng ngoài không gian không có kích thước cho phụ nữ vóc dáng trung bình”.

Đó cũng là lần đầu tiên Cristoforetti gặp trở ngại trên hành trình chinh phục vũ trụ của mình.

Cristoforetti từng bật cười khi phóng viên hỏi: “Cảm giác của bà như thế nào khi bay vào không gian với 2 người đàn ông hấp dẫn như vậy?”.

Vấp phải nhiều trường hợp đề cập đến giới tính, bà cho rằng nó không phải rào cản lớn và sẵn sàng đón nhận bằng con mắt lạc quan, hài hước.

Sau 199 ngày lơ lửng ngoài không gian, điều khó khăn nhất với Cristoforetti là quay trở lại Trái Đất. Những gì gọi là “cuộc sống bình thường” bỗng trở nên xa lạ với Cristoforetti bởi cảm giác không chân thật. Bước vào không gian, bà phải học cách sống từ đầu. Khi trở về Trái Đất, điều đó lặp lại.

Cristoforetti là nữ phi hành gia hiếm hoi trên thế giới. Bà cũng là phụ nữ Italy đầu tiên bay vào vũ trụ, phi hành gia châu Âu sống ngoài không gian với thời gian không bị gián đoạn dài nhất, phá kỷ lục cũ 193 ngày do nam đồng nghiệp người Hà Lan André Kuipers (thuộc ESA) lập.

Cristoforetti chia sẻ sự phấn khích khi nhớ về cảm giác nữ phi hành gia người Anh đầu tiên - Helen Sharman - đến thăm trường. Và với hành trình phi thường 199 ngày ngoài không gian, những đứa trẻ khác sẽ nhớ về Cristoforetti như cách Helen Sharman ghi dấu ấn trong trái tim và tâm trí của bà.

SpaceX của Elon Musk ra đời thế nào?

Lần đầu tiên Elon Musk nghĩ tới ý tưởng bước vào ngành kinh doanh không gian trên chuyến bay trở về từ Moscow (Nga) vào tháng 2/2002. Bốn tháng sau SpaceX ra đời.

Thu Hòa Đặng

Ảnh: NASA

Bạn có thể quan tâm