Nhật lách luật để xây dựng hải quân đánh bộ
Trung đoàn bộ binh cơ giới trực thuộc lực lượng tự vệ trên bộ khu vực phía tây Nhật Bản (gọi tắt là “Trung đoàn miền Tây” - WAiR) của Nhật Bản, đã đầu tiên công khai giới thiệu quá trình huấn luyện tác chiến sử dụng tàu đổ bộ cỡ nhỏ tại căn cứ Camp Ainoura, thành phố Sasebo, tỉnh Nagasaki vào ngày 24/6 vừa qua.
Hãng thông tấn Kyodo cho biết, để ứng phó với các hoạt động trên biển của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang nỗ lực nâng cao khả năng phòng vệ đảo xa. “Trung đoàn miền Tây” sẽ trở thành lực lượng nòng cốt của “Trung đoàn cơ động thủy-lục”, dự kiến thành lập vào cuối năm 2018 với quy mô khoảng 3000 người.
Theo tờ Asahi Shimbun của Nhật, chính phủ Nhật Bản đã đưa việc thành lập các trung đoàn cơ động vào “Đại cương kế hoạch phòng vệ”, mục đích là để đảm bảo có thể nhanh chóng đổ bộ giành lại những hòn đảo bị xâm chiếm. Bộ Quốc phòng nước này sẽ rập khuôn cách làm của quân đội Mỹ ở chiến trường Iraq, Afghanistan, lấy lực lượng hải quân đánh bộ làm nguyên mẫu để xây dựng các trung đoàn cơ động.
Nhật đang tích cực chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tương lai ho ảnh |
Theo giới thiệu, đợt huấn luyện này có tên gọi chính thức là “khóa đào tạo cơ bản về tác chiến thủy-bộ”. Trong thời gian khoảng 5 tuần tập huấn, mục tiêu cuối cùng của các binh sĩ là nắm được và rèn luyện các kĩ năng xuống nước từ máy bay trực thăng và đổ bộ lên bờ từ các tàu, xuồng đổ bộ.
Khóa huấn luyện mang tính hệ thống này tiến hành từ năm 2013, tính cho đến nay, đây là lần tổ chức thực tế thứ ba. Trong thời gian đó, các binh sĩ không những phải nâng cao trình độ bơi lội, học cách điều khiển tàu, xuồng, mà còn được đào tạo cách nhảy từ tàu chiến của lực lượng phòng vệ trên biển xuống tàu nhỏ để đổ bộ lên bờ và các phương pháp cứu hộ khi thuyền bị lật.
Trong đợt huấn luyện, đơn vị chuyên trách giáo dục binh lính của WAiR mới thành lập hồi tháng 3 năm nay sẽ đảm nhận vai trò giáo viên hướng dẫn. Ông Matsushi Kunii - trung đoàn trưởng tuyên bố với binh sĩ và giáo viên: “đây là khóa học cơ bản để trở thành thành viên chính thức của WAiR, các giáo viên sẽ hướng dẫn giảng dạy các kỹ năng liên quan cho các thành viên quan trọng của trung đoàn cơ động thủy-lục”.
Tàu đổ bộ Nhật huấn luyện trên biển. |
Trang tin News-Postseven nhận định, WAiR là đội quân tinh nhuệ có nhiệm vụ đoạt lại biển đảo cho Nhật Bản trong tình huống quân đội Trung Quốc đổ bộ đánh chiếm Senkaku. Tuy nhiên, tác chiến biển đảo chỉ là phần nhỏ trong một cuộc chiến tranh tổng lực Trung - Nhật trong tương lai.
Ngoài chiến tranh biển đảo ra, các cuộc chiến tranh hiện đại còn có rất nhiều kịch bản khác nhau, chẳng hạn Trung Quốc sẽ tấn công địa điểm nào đầu tiên và Nhật làm thế nào để trụ vững qua các đòn tấn công phủ đầu? Tờ Shukan Gendai đưa ra dự đoán, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ ưu tiên công kích Kobe, nơi có cơ sở chế tạo tàu ngầm lớn nhất của Nhật.
Trong khi đó, trang tin News-Postseven ngày 25-6 lại cho rằng, Tokyo sẽ là nơi đầu tiên rơi vào biển lửa. Theo tin đưa, nếu xung đột cục bộ Nhật Trung thực sự diễn biến thành chiến tranh toàn diện, kết quả sẽ thế nào? Trang tin này nhận định: “Chiếm ưu thế về số lượng trang bị và tuyến đường tiếp tế nên quả thực, Trung Quốc là đối thủ không dễ đối phó”.
Rất nhiều người Nhật Bản cho rằng, tuy PLA có quy mô lớn với tổng binh lực 2,3 triệu quân, nhưng trang bị lạc hậu, sĩ khí kém, lực lượng phòng vệ tinh nhuệ của nước này đủ sức ứng phó. Nhưng đó là trong trường hợp giao tranh nhỏ lúc đầu, một khi chiến tranh hai nước bước vào tác chiến quy mô lớn lâu dài, lực lượng phòng vệ có thể đối phó được không?Nhật chống đòn “tấn công bão hòa” bằng tên lửa hành trình Trung Quốc
Các chuyên gia quân sự Nhật Bản đều khẳng định là có. Ông Atsushi Kitamura, cố vấn quân sự của hải quân Mỹ phân tích rằng, nếu tấn công lãnh thổ Nhật Bản, điều đầu tiên Trung Quốc nghĩ đến là tấn công chính xác bằng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm xa lắp đầu đạn thông thường, làm cho Nhật Bản bị tê liệt mà không gây thương vong cho quân mình”.
Chi phí sản xuất tên lửa hành trình tầm xa rất rẻ, nên Trung Quốc sẽ áp dụng phương thức “tấn công bão hòa”, bắn cấp tập với số lượng lớn vào lãnh thổ Nhật Bản. Trung Quốc hiện có 600 đến 700 tên lửa hành trình tầm xa tấn công đối đất như “DH-10” và “CJ-10”, trên 100 hệ thống tên lửa đạn đạo kiểu “DF-21”, trong tương lai Trung Quốc sẽ còn triển khai tên lửa tấn công đối đất siêu âm.
Trong kế hoạch phòng ngự của Nhật Bản, khi bị tấn công bằng tên lửa, tàu khu trục Aegis của lực lượng phòng vệ sẽ đánh chặn bằng tên lửa SM-3, những tên lửa lọt lưới sẽ do hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot-3 trên mặt đất đối phó. Tuy nhiên, tỉ lệ bắn trúng của hệ thống phòng thủ tên lửa không cao, tầm bắn và số lượng có hạn, dưới sự “tấn công bão hòa”, Nhật Bản cuối cùng sẽ không thể đối phó nổi.
Trung Quốc hiện đang sở hữu số lượng lớn các tên lửa hành trình |
Đồng thời, các cơ sở hạ tầng trọng yếu như phủ Thủ tướng, đài phát thành truyền hình, nhà máy điện, đặc biệt là nhà máy điện hạt nhân và các kho dự trữ dầu mỏ, sẽ trở thành mục tiêu tấn công chính của tên lửa Trung Quốc. “Một khi Nhật-Trung xảy ra xung đột quân sự toàn diện, khu vực trung tâm thủ đô Tokyo sẽ rơi vào biển lửa trước tiên”.
Tuy nhiên, Tokyo cũng không quá lo lắng vì trên thực tế họ có khả năng cảnh báo sớm rất mạnh. Hơn nữa, Bắc Kinh sẽ không dám sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc chiến tranh bắt nguồn từ mâu thuẫn chủ quyền. Các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình không có đầu đạn hạt nhân thì ngoài khả năng tấn công chính xác ra, nó cũng không nguy hại hơn 1 quả bom là mấy.
Hơn nữa, trên thực tế tên lửa hành trình cũng chỉ thể hiện được uy lực mạnh nhất trong cuộc chiến Iarq năm 1991. Từ đó đến nay, người ta đã nghĩ ra nhiều chiến thuật, phương pháp và các phương tiện vũ khí để chống tên lửa hành trình, ví dụ như tăng cường khả năng cảnh báo sớm, khả năng đánh chặn hoặc triển khai các căn cứ nghi binh và dự bị…
Trong thời gian qua Nhật Bản đã có kế hoạch bố trí các radar phòng thủ tên lửa kiểu cố định trên một số đảo và triển khai máy bay cảnh báo sớm E-767, E-2C nhằm loại bỏ các nguy cơ bất ngờ từ tên lửa và máy bay tàng hình của Trung Quốc.
Nhật đã sử dụng 8,9 tỷ yên để thay thế 2 trạm radar cảnh giới, giám sát FPS-7 (cải tiến trên cơ sở loại radar giám sát biển FPS-5) đặt ở Takada - Miyazaki và trên đảo Miyako (Miyakojima). Đây là loại radar phòng thủ chống tên lửa đạn đạo Trung Quốc, thuộc loại radar anten bãi rộng, nâng cao cực đại tính linh hoạt, phạm vi giám sát và độ nhạy của anten.Đồng thời, bắt đầu từ tháng 4 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã chi 3,7 tỷ yên (khoảng 37,7 triệu USD) cho nghiên cứu và phát triển loại radar chống tàng hình kiểu cơ động, có khả năng phát hiện cả máy bay chiến đấu tàng hình và các tên lửa đạn đạo có quỹ đạo khó lường nhất.
Về phương tiện đánh chặn, Nhật đã quyết định nâng số chiến hạm Aegis của mình lên con số 8, trong đó toàn bộ sử dụng các tên lửa đánh chặn phiên bản mạnh nhất của 2 dòng SM-2 và SM-3. Đồng thời, trên bộ họ đã sẵn có tên lửa đánh chặn PAC-3 mua của Mỹ. Ngoài ra, Nhật còn đang có kế hoạch phát triển một loại tên lửa phòng không mới có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình.
Trên đây mới chỉ là những điểm chính mà Nhật thực hiện nhằm đối phó với mối đe dọa từ tên lửa Trung Quốc, ngoài ra Nhật còn có sự chi viện to lớn của Mỹ về thông tin tình báo, cảnh báo sớm, đánh chặn tên lửa và các trang bị, vũ khí khác… Có thể khẳng định một điều là Tokyo đã chuẩn bị để sẵn sàng đương đầu với 1 kịch bản xấu nhất của chiến tranh Trung - Nhật.