Chiều ngày 4/3, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michico cùng đoàn tùy tùng đã ghé thăm nhà lưu niệm chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (phường Trường An, TP Huế). Trước đó, vào buổi sáng, đoàn đã ghé thăm Đại nội Huế.
Nhật hoàng và Hoàng hậu đến thăm nhà lưu niệm chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Ảnh: Điền Quang. |
Ngay từ đầu giờ chiều, hàng trăm người dân cùng nhiều kiều bào Nhật Bản đang làm việc, học tập ở cố đô Huế đã đứng chờ sẵn trước cổng nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu để được tận mắt chứng kiến Nhật hoàng và Hoàng hậu Nhật Bản.
Đúng 15h30, đoàn xe chở Nhật hoàng từ khách sạn La Residence đã đến nhà lưu niệm trong niềm hân hoan đón mừng của nhiều người dân địa phương.
Hàng trăm người dân địa phương háo hức được nhìn thấy Nhật hoàng và Hoàng hậu Nhật Bản. Ảnh: Điền Quang. |
Trên tay cầm 2 lá cờ Nhật Bản và Việt Nam, bà Nguyễn Thị Vui, một người dân hồ hởi, cho hay: "Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một sự kiện trọng đại như vậy. Tận mắt mình thấy Nhật hoàng và Hoàng hậu trong đời thực. Mặc dù đã lớn tuổi, Hoàng hậu Michiko vẫn đẹp và sang trọng quá".
Hoàng hậu Michico vẫy tay chào người dân địa phương. Ảnh: Điền Quang. |
Tại nhà tưởng niệm, Nhật hoàng và Hoàng hậu đã rất vui mừng khi được tiếp xúc với ông Phan Thiệu Cát, hậu duệ đời thứ 3 của cụ Phan Bội Châu.
Buổi viếng thăm nhà lưu niệm kéo dài hơn 30 phút, Nhật hoàng và Hoàng hậu được đoàn tùy tùng đưa ra xe. Đến tối, đoàn có cuộc tiếp nhân viên tình nguyện của JICA và gặp gỡ cộng đồng người Nhật Bản tại Việt Nam.
Ngày 5/3, Nhật hoàng và Hoàng hậu sẽ rời cố đô Huế tươi đẹp và kết thúc chuyến thăm Việt Nam.
Phan Bội Châu - nhà yêu nước, nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, năm 1925 Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc) và bị thực dân Pháp lén lút đưa về Hà Nội. Trước phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi ân xá cho Cụ, thực dân Pháp phải đưa cụ về giam lỏng tại Huế 15 năm (1925-1940).
Ngôi nhà của cụ Phan được xây dựng trong khoảng từ năm 1926-1927. Ngôi nhà do Cụ tự thiết kế, cụ Võ Liêm Sơn - giáo viên trường Quốc Học đứng ra chủ trì xây dựng. Ngôi nhà có hình chữ công nằm ngang, ba gian nhà lợp tranh, tượng trưng cho ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), vách đất tương đối cao và thoáng mát. Chính giữa nhà hình vuông, làm nơi diễn thuyết. Xung quanh có các chái chia phòng riêng biệt.