Dù kế hoạch sau đó bị hủy bỏ, các cuộc đàm phán bí mật nói trên đã giúp đặt nền móng cho chính phủ Thủ tướng Junichiro Koizumi ủng hộ sửa đổi Luật Hoàng gia.
Luật này chỉ cho phép nam giới có họ hàng bên nội với hoàng đế được quyền thừa kế ngôi vị và yêu cầu phụ nữ từ bỏ địa vị hoàng gia sau khi kết hôn với thường dân.
Các cuộc họp bí mật bắt đầu vào năm 1997 dưới thời Thủ tướng Ryutaro Hashimoto, với sự tham gia của các thành viên như Phó tổng thư ký Nội các Teijiro Furukawa. Vào thời điểm đó, Hoàng đế Akihito không có cháu trai.
"Chúng tôi đã nhận thức được rằng phải cân nhắc việc đảm bảo ổn định quy trình thừa kế", ông Furukawa nói với Kyodo News.
Luật Hoàng gia Nhật Bản chỉ cho phép nam giới có họ hàng bên nội với hoàng đế được quyền thừa kế ngôi vị. Ảnh: Getty. |
Các cuộc họp tiếp tục diễn ra cho đến năm 2004. Tài liệu được biên soạn vào tháng 5/2004 kêu gọi chính phủ "nhanh chóng bắt đầu cân nhắc" thay đổi luật để cho phép con gái và hậu duệ nữ lên ngôi.
Thủ tướng Koizumi đã khởi xướng thành lập hội đồng tư vấn về vấn đề này. Sau gần một năm thảo luận, hội đồng đưa ra đề xuất cho phép nữ giới lên ngôi để Nhật Bản tránh rơi vào cuộc khủng hoảng kế vị.
Thủ tướng Koizumi đã nỗ lực theo đuổi đề xuất này. Tuy nhiên, kế hoạch đổ bể sau khi Hoàng tử Hisahito ra đời năm 2006, trở thành người thừa kế nam đầu tiên của hoàng gia Nhật Bản trong 41 năm.
Tuy nhiên, với việc Nhật Hoàng 85 tuổi Akihito sẽ thoái vị vào ngày 30/4, vấn đề người kế vị lại một lần nữa được đưa ra tranh luận. Con trai của Nhật Hoàng Akihito, Thái tử Naruhito, 59 tuổi, sẽ lên ngôi vào ngày 1/5.
Hiện tại hoàng gia Nhật Bản có 18 thành viên và 13 người trong số đó là phụ nữ. Sau khi hoàng tử lên ngôi, sẽ chỉ còn ba người thừa kế nam - bao gồm Hoàng tử Fumihito (53 tuổi), Hoàng tử Hisahito (12 tuổi) và Hoàng tử Hitachi (83 tuổi), em trai của Nhật Hoàng Akihito.
Chính phủ do Thủ tướng Shinzo Abe lãnh đạo nhận thức được vấn đề số lượng thành viên hoàng tộc ngày càng giảm, tuy nhiên vẫn rất thận trọng trong việc thay đổi quy định thừa kế ngôi vị.