Phụ nữ mang thai tại Nhật Bản phải chờ 100 ngày sau khi ly hôn mới có thể kết hôn trở lại. Ảnh: Kyodo. |
Điều luật này - vốn đã tồn tại hơn một thế kỷ - không áp dụng với nam giới. Mục đích ban đầu của quy định là giúp quá trình nhận diện cha của đứa trẻ - người có trách nhiệm tài chính với con mình - dễ dàng hơn. Dù vậy, những người chỉ trích coi đây là điều “lạc hậu” và “phân biệt đối xử”.
Đây là một phần của kế hoạch chỉnh sửa Bộ luật Dân sự năm 1898 của Nhật Bản, Kyodo đưa tin. Bên cạnh quy định trên, một điều luật cho phép cha mẹ “kỷ luật con cái ở bất cứ mức độ cần thiết nào” cũng sẽ bị bãi bỏ.
Chính phủ Nhật Bản dự kiến đệ trình những sửa đổi này lên Quốc hội trước ngày 10/12. Nếu được thông qua, các thay đổi sẽ được ban hành năm 2024.
Trước năm 2016, luật pháp Nhật Bản thậm chí quy định thời gian phụ nữ không được kết hôn trở lại sau khi ly hôn lên tới 6 tháng.
Nhật Bản thường xuyên xếp khá thấp trong bảng xếp hạng về bình đẳng giới được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố hàng năm, vốn đánh giá các quốc gia trên nhiều khía cạnh như sự tham gia vào hoạt động y tế, giáo dục, kinh tế hay chính trị. Năm 2022, Nhật Bản đứng thứ 116 trong tổng số 146 nước được xếp hạng.
Giới chức nước này từng đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ nữ lãnh đạo trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế lên 30% vào năm 2020. Dù vậy, kế hoạch này đã thất bại và được chỉnh sửa thành “đạt tỷ lệ khoảng 30% sớm nhất có thể trong thập niên 2020”, Nippon cho biết.