“Tôi đặc biệt quan ngại về những căng thẳng trong khu vực xuất phát từ hành động Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981. Nhật Bản sẽ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát và tuân thủ luật pháp”, Bộ Ngoại giao Nhật Bản dẫn lời Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trong cuộc họp với Phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam tại Tokyo.
Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc họp ở Tokyo hôm 22/5. Ảnh: The Japan Times. |
Theo tờ The Japan Times, ông Đam đã đánh giá cao sự ủng hộ của Nhật Bản và cho biết, Việt Nam đang thực hiện những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết vụ việc trong hòa bình đồng thời kêu gọi Tokyo tiếp tục hỗ trợ.
Hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông đã khiến Nhật Bản thêm phần lo ngại về chính sách hàng hải của Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc thường xuyên điều động tàu tuần tra tới hải phận do Tokyo kiểm soát quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Ông Abe khẳng định, Nhật Bản chủ trương thực hiện “chính sách đóng góp tích cực vào nền hòa bình và ổn định trên thế giới dựa trên sự hợp tác quốc tế”.
Cũng trong ngày 22/5, nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida dự kiến thăm Việt Nam vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác an ninh hàng hải trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Trong cuộc họp sắp tới tại Hà Nội, Bộ trưởng Kishida cùng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ đẩy nhanh các cuộc tham vấn về việc Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam nhằm đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông.
Liên quan tới vấn đề Trung Quốc sử dụng “sức mạnh cơ bắp” trên cả hai vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định hai nước không dung thứ cho mọi nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng khu vực thông qua hình thức ép buộc hay vũ lực.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và Việt Nam sẽ tăng cường liên lạc với Philippines và các nước thành viên trong khối ASEAN nhằm kiềm chế tham vọng mở rộng lãnh thổ của Bắc Kinh. Hai bộ trưởng sẽ hối thúc 10 quốc gia thành viên ASEAN và các nước trong khu vực tham gia diễn đàn an ninh được tổ chức vào tháng 8 tại Myanmar để cùng hành động nhằm chống lại những động thái gây bất ổn trong khu vực từ phía Trung Quốc.