Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật Bản tập trận bắn đạn thật ở chân núi Phú Sĩ

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật thường niên trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc không ngừng gia tăng.

Cuộc tập trận bắn đạn thật của quân đội Nhật Bản thường diễn ra gần chân núi Phú Sĩ. Ảnh minh họa:
Cuộc tập trận bắn đạn thật của quân đội Nhật Bản thường diễn ra gần chân núi Phú Sĩ. Ảnh minh họa: AP

Khoảng 60 máy bay quân sự như trực thăng tấn công Apache, 80 xe tăng chiến đấu, nhiều loại xe bọc thép và các binh sĩ đang tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật thường niên tại căn cứ Higashi-Fuji. Đợt tập trận công khai các chiến thuật và khí tài mà quân đội Nhật sử dụng nhằm bảo vệ lãnh thổ, Reuters đưa tin.  

Quân đội Nhật Bản đã bố trí màn hình để hàng nghìn người dân có thể tận mắt theo dõi cuộc tập trận. “Các binh sĩ thật tuyệt vời. Họ là đội quân tinh nhuệ, lực lượng sẽ bảo vệ Nhật Bản”, ông Yoko Miyake, 59 tuổi, nói.

Theo một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng, số lượng mục tiêu trong màn bắn đạn thật năm nay đã tăng từ 20 lên 28 mục tiêu so với năm ngoái.

“Trước những mối họa tới từ Trung Quốc, Nhật Bản cần trang bị những khí tài cần thiêt. Tôi nghĩ đây là bước đầu tiên để quân đội xây dựng lực lượng có khả năng ngăn chặn mọi mối nguy hiểm”, Yoshinari Endo, cư dân từ thành phố Kanagawa, bình luận.

“Những tiếng nổ rất lớn và vang xa”, một cậu bé tới cuộc diễn tập tỏ ra ngạc nhiên trước âm thanh của những loạt đạn được bắn trực tiếp.

Theo Reuters, Thủ tướng Shinzo Abe đang xây dựng lực lượng quân đội mạnh mẽ hơn nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực châu Á.

Đầu tháng 7, nội các của ông Abe đã thông qua quyền phòng vệ tập thể, cho phép quân đội thực thi quyền tự vệ và hỗ trợ đồng minh khi chiến sự nổ ra. Ngay lập tức, truyền thông Trung Quốc đã tung ra những lời phản pháo động thái của Tokyo vì cho rằng, chủ trương của ông Abe sẽ thay đổi quan điểm quốc phòng của Nhật Bản từ sau Thế chiến II và có thể kéo đất nước vào những xung đột đẫm máu trong tương lai. 

Quan hệ Nhật - Trung suy giảm trầm trọng kể từ tháng 9/2012 khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. 

Căng thẳng tiếp tục leo thang khi Trung Quốc thường xuyên triển khai tàu và máy bay tới vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đối đầu với lực lượng tuần duyên Nhật. Kể từ khi lên nắm quyền 18 tháng trước, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chưa đối thoại chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm