Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản - ông Hirokazu Matsuno - cho biết trong một cuộc họp báo rằng giá điện sinh hoạt sẽ được tăng từ tháng 6. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Japan Times, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Hirokazu Matsuno cho biết trong một cuộc họp với truyền thông rằng mức tăng giá sẽ nằm trong khoảng từ 14% đến 42%.
Dự kiến tiền điện trong tháng 6 của các hộ gia đình sẽ tăng 800-2.700 yen/hộ. Công ty Điện lực Tokyo Holdings, công ty cung cấp điện cho thủ đô Nhật Bản, đã nhận được sự chấp thuận mức tăng giá ít nhất so các công ty khác.
Ba công ty điện lực khác là Chubu (ở miền trung), Kansai (khu vực Osaka) và Kyushu (ở miền Nam) sẽ giữ nguyên giá hoặc giảm nhẹ.
Các công ty điện lực ở quốc gia khan hiếm tài nguyên này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khi chi phí nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch tăng cao.
Việc tăng giá điện sẽ kéo theo hệ lụy là giá cả các mặt hàng sinh hoạt khác tăng theo. Điều này tác động không nhỏ tới lạm phát ở nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Sau khi đề xuất tăng giá điện được Chính phủ chấp thuận, ngay lập tức cổ phiếu của các công ty điện lực tăng phi mã. Trong đó, cổ phiếu của công ty Tepco tăng tới 3,9%. Hokuriku Electric Power, công ty sẽ tăng giá điện nhiều nhất, ghi nhận mức tăng 5,8% lên mốc cao nhất trong 2 năm qua.
Kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào năm 2022, các quốc gia như Anh hay Hàn Quốc đều phải chịu cảnh giá điện tăng cao. Bối cảnh này cũng làm đảo lộn thị trường nhiên liệu, đẩy giá khí đốt tự nhiên và than lên mức cao kỷ lục. Chính phủ các nước đang cố gắng ngăn chặn hậu quả, với các biện pháp khác nhau để cân đối nền kinh tế.
Theo ông Takahide Kiuchi, cựu thành viên HĐQT của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura, việc tăng giá điện có thể làm tăng lạm phát lên tới 0,42 điểm phần trăm. Tỷ lệ lạm phát cơ bản của Nhật Bản là 3,1% trong tháng 4.
Theo ông Taro Saito, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Viện nghiên cứu NLI (Nhật Bản), các đợt tăng giá điện gần đây nhất có thể nằm trong dự đoán của BOJ.
Tuy nhiên, đối với hầu hết người tiêu dùng, hóa đơn tiền điện có thể vẫn thấp hơn so với một năm trước do giá dầu và khí tự nhiên thấp hơn. Ngoài ra, các khoản trợ cấp của Chính phủ có hiệu lực vào đầu năm 2023 đã hỗ trợ phần nào.
Theo Reuters, thị trường điện của Nhật Bản được dự đoán ít thắt chặt hơn vào mùa hè này ở hầu hết khu vực so với mùa hè năm ngoái khi Chính phủ yêu cầu tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc, theo dự báo của Bộ Công nghiệp vào tháng 5.
Bộ Công nghiệp Nhật Bản đã yêu cầu tiết kiệm điện "trong phạm vi hợp lý" trong 2 tháng ở những khu vực được cung cấp điện bởi Công ty Điện lực Tokyo Holdings, vì tỷ lệ dự trữ ước tính dưới 5%.
Tỷ lệ dự trữ dự kiến, trong trường hợp xảy ra đợt nắng nóng kéo dài, ở khu vực Tokyo là 3,1% cho tháng 7 và 4,8% cho tháng 8, trong khi các con số ở những nơi khác là trên 5% cho cả 2 tháng. Tỷ lệ công suất dự phòng dưới 3% thì sẽ có nguy cơ thiếu điện, mất điện.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.