Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật Bản 'lật ngược' chính sách an ninh quốc phòng

Nhật Bản sẽ lật ngược chính sách an ninh hậu chiến tranh sau 6 thập kỷ và tăng ngân sách quốc phòng lên mức hàng đầu thế giới để đối phó với “thách thức chiến lược chưa từng thấy”.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Reuters.

Trong chiến lược an ninh quốc gia mới được công bố hôm 16/12, Tokyo đặt ra tham vọng đóng vai trò tích cực hơn trong an ninh khu vực, Financial Times đưa tin ngày 16/12.

“Môi trường an ninh của Nhật Bản rất xấu và phức tạp chưa từng thấy kể từ khi kết thúc (Chiến tranh thế giới thứ hai)”, theo chiến lược sẽ được triển khai trong thập kỷ tới. “Về cơ bản, chúng tôi sẽ củng cố khả năng phòng thủ như là sự bảo đảm cuối cùng cho an ninh quốc gia”.

Nhật Bản cũng cho biết họ sẽ “đạt được sự cân bằng mới trong quan hệ quốc tế” bằng cách hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ cùng các đồng minh của mình để đạt được “một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Trong 5 năm tới, Tokyo có kế hoạch chi 313 tỷ USD để tăng cường khả năng phòng thủ, đưa chi tiêu quân sự lên khoảng 2% GDP, phù hợp với tiêu chuẩn của các quốc gia thành viên khối quân sự hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngân sách sẽ bao gồm hơn 36 tỷ USD được dành để mua tên lửa hành trình Tomahawk từ Mỹ, nhằm mở rộng phạm vi của tên lửa hành trình đất đối hạm nội địa và phát triển vũ khí siêu thanh, theo chương trình quốc phòng trung hạn.

Gần 22 tỷ USD khác sẽ được chi để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp, bao gồm nâng cấp radar cho hệ thống tên lửa Patriot để chống lại vũ khí siêu thanh.

Khoảng 14 tỷ USD sẽ được phân bổ để tăng cường khả năng phòng thủ không gian và phòng thủ mạng của Nhật Bản - một lĩnh vực mà các quan chức Mỹ đã nhiều lần thúc đẩy Tokyo cải thiện.

Phần lớn nhất của chi tiêu quân sự, hơn 109 tỷ USD, sẽ được dành để tăng cường các nhu cầu cơ bản của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) bao gồm kho dự trữ đạn dược và thùng nhiên liệu.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tham dự cuộc họp báo ở Tokyo vào ngày 16/12. Ảnh: Reuters.
chien luoc quoc phong nhat anh 1
chien luoc quoc phong nhat anh 1

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tham dự cuộc họp báo ở Tokyo vào ngày 16/12. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Fumio Kishida cho biết Nhật Bản sẽ duy trì cam kết với lập trường phòng vệ vững chắc, nhưng nhấn mạnh sự cần thiết phải sở hữu khả năng tấn công các căn cứ của kẻ thù như biện pháp răn đe.

“Khả năng phản công sẽ rất cần thiết để ngăn chặn một cuộc tấn công”, ông nói thêm vào ngày 16/12.

Việc Nhật Bản có khả năng tiến hành các cuộc phản công đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến thứ 2. Động thái này có khả năng sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc, theo Financial Times.

Chiến lược phòng thủ mới của Tokyo đã nhận được sự khen ngợi từ Mỹ, quốc gia có hiệp ước phòng thủ chung và cam kết bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản trước các cuộc tấn công, theo CNN.

“Chúng tôi hoan nghênh việc Nhật Bản công bố tài liệu chiến lược mới được cập nhật… phản ánh cam kết kiên quyết của nước này trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết trong tuyên bố.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo thường kỳ vào đầu tháng 12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Nhật Bản “thổi phồng căng thẳng trong khu vực để tìm kiếm những bước đột phá quân sự”. Bắc Kinh nói rằng Nhật Bản cần “tôn trọng những lo ngại về an ninh của các nước láng giềng châu Á, hành động thận trọng trong lĩnh vực an ninh quân sự, hành động nhiều hơn nữa vì lợi ích hòa bình và ổn định khu vực”.

Một bài xã luận trên tờ Global Times hôm 14/12 đã chỉ trích chính sách an ninh mới ngay cả trước khi nó được công bố.

“Tín hiệu mà chiến lược mới phát ra chắc chắn rất nguy hiểm”, tờ báo viết.

Bài liên quan

Minh An

Bạn có thể quan tâm