Theo Reuters, đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên, gồm 2.100 thành viên thuộc Lữ đoàn Lội nước triển khai nhanh, được triển khai tại một căn cứ ở Sasebo, trên đảo Kyushu hôm 7/4.
"Trong bối cảnh tình hình quốc phòng và an ninh nguy cấp xung quanh Nhật Bản, phòng thủ quốc gia là nhiệm vụ bắt buộc cấp bách", Thứ trưởng Quốc phòng Tomohiro Yamamoto cho biết.
Trong hoạt động huấn luyện đầu tiên, 1.500 binh sĩ của Lữ đoàn tiến hành thao diễn cuộc tập trận tái chiếm một hòn đảo bị kẻ địch chiếm đóng.
Lữ đoàn thủy quân lục chiến của Nhật Bản trong buổi diễn tập ngày 7/4. Ảnh: Reuters. |
Lữ đoàn mới thành lập của Nhật Bản có năng lực gần tương đương với đơn vị Thủy quân lục chiến viễn chinh của quân đội Mỹ (MEU), lực lượng có khả năng lên kế hoạch và tác chiến tại các vùng nước hải ngoại cách xa căn cứ.
"Nếu Nhật Bản quyết tâm, họ có thể xây dựng lực lượng thủy quân lục chiến với năng lực tác chiến không thể xem thường chỉ trong 1 năm rưỡi", Grant Newsham, chuyên gia từ Diễn đàn Nghiên cứu chiến lược Nhật Bản, đánh giá.
Ông Newsham cho biết Tokyo vẫn cần xây dựng trung tâm chỉ huy hải quân hỗn hợp để điều phối hoạt động tác chiến, đồng thời bổ sung nhiều tàu đổ bộ chở quân và các khí tài khác.
Nhật Bản đang lên kế hoạch mua sắm nhiều thiết bị quân sự. Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản muốn bổ sung thêm các máy bay chiến đấu F-35Bs để có thể tác chiến từ các tàu sân bay trực thăng Izumo và Ise, hoặc từ chuỗi đảo ở biển Hoa Đông.
Lữ đoàn thủy quân lục chiến, cùng với nhiều khí tài như tàu sân bay trực thăng, tàu lội nước, các xe tấn công lội nước, là sự bổ sung binh lực mới nhất của lực lượng phòng vệ Nhật Bản, nhằm răn đe Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang ngày càng mở rộng sức mạnh trên biển.
Trung Quốc, đối thủ của Nhật Bản trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hiện vượt trội so với Tokyo trong chi tiêu quân sự. Bắc Kinh dự kiến chi 176 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2018, nhiều hơn 3 lần so với Tokyo.
Sau Thế chiến II, Nhật Bản không xây dựng quân đội. Nhiệm vụ quốc phòng của nước này được giao phó cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, trực thuộc bộ Quốc phòng. Hiến pháp Nhật Bản cũng nêu rõ Tokyo từ bỏ quyền phát động chiến tranh.