Theo hãng tin Kyodo News, các kết luận của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản cho biết phi công được lệnh hạ độ cao để tránh một máy bay Mỹ, trong một buổi huấn luyện tháng tư. Phi công trả lời một cách bình tĩnh, nhưng lại lao gần hết tốc lực xuống vùng biển ngoài căn cứ không quân Misawa, phía bắc hòn đảo chính Honshu của Nhật Bản.
Tiêm kích tàng hình F-35 được coi là hệ thống vũ khí đắt nhất của Mỹ. Vụ tai nạn xảy ra giữa lúc Nhật Bản đang mua tới 147 chiếc F-35, bao gồm những chiếc có giá 140 triệu USD.
Phi công 41 tuổi được cho là đã thiệt mạng, và hộp đen ghi âm chuyến bay vẫn chưa được tìm thấy. Chiếc chiến đấu cơ xấu số đang tập trận với ba máy bay khác thì liên lạc radar bị mất sau khi bay được nửa giờ, các quan chức quân đội Nhật Bản cho biết.
Một chiếc tiêm kích tàng hình F-35A của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản (JASDF) tại Toyoyama, tỉnh Aichi. Ảnh: AFP. |
Hơn 320 tiêm kích tàng hình đang hoạt động từ 15 căn cứ của Mỹ trên toàn thế giới, mặc dù Lầu Năm Góc và công ty chế tạo Lockheed Martin tiếp tục tranh cãi về việc giải quyết hơn 900 thiếu sót - bao gồm các lỗ hổng trong phần mềm phức tạp của dòng máy bay này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya nói với các phóng viên ông muốn tăng cường huấn luyện và phản hồi lo ngại của người dân địa phương trước khi cho phép F-35 bay trở lại.
Các bộ phận của chiếc chiến đấu cơ bị rơi, bao gồm một phần của buồng lái, đã được vớt lên, ông Iwaya cho biết trong một cuộc họp báo cuối tháng năm.
Trước đó, vào tháng 9/2018, vụ rơi máy bay F-35B, dòng máy bay dành cho Thủy quân lục chiến Mỹ, ở bang Nam Carolina khiến Lầu Năm Góc đình chỉ hầu hết chuyến bay trong hai tuần để điều tra. Tai nạn sau đó được kết luận là do lỗi trong quá trình sản xuất.