Vào thời điểm bị đánh giá thấp và chịu nhiều hoài nghi nhất, Nhật Bản vẫn biết cách chứng minh cho tất cả thấy rằng vì sao họ là đội tuyển giàu thành tích nhất Asian Cup.
Còn Iran trong thời điểm được đánh giá là mạnh, giàu tính tổ chức nhất lại cho thấy vì sao những danh hiệu lại liên tục ngoảnh mặt với đội tuyển này sau hơn 4 thập kỷ.
Nhật Bản đánh bại Iran với tỷ số 3-0 với cú đúp của Yuya Osako. Ảnh: AFC. |
Iran và câu chuyện chơi bóng trên mặt đất
Ông Carlos Queiroz nói trong phòng họp báo rằng ông “hạnh phúc vì làm tròn bổn phận của HLV”. Trước đó, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha quyết định rời khỏi cương vị HLV trưởng tuyển Iran sau 8 năm gắn bó. Trận thua 0-3 trước Nhật Bản là dấu chấm hết cho chặng đường tạo ra những thay đổi sâu rộng tại nền bóng đá Tây Á của ông Queiroz.
Ít ai biết rằng trước khi chính thức từ chức HLV trưởng ĐT Iran vào rạng sáng 29/1, ông Queiroz từng 4 lần đệ đơn từ chức lên LĐBĐ Iran nhưng không được chấp nhận. Nhà cầm quân người Bồ Đào Nha đã nhất quyết không thỏa hiệp với sự quan liêu của nền bóng đá tại quốc gia Tây Á này.
Iran đã chơi bóng quá nóng vội và phải trả giá. Ảnh: AFC. |
Sau mỗi lần bị từ chối cho từ chức, ông Queiroz lại có thời gian để tiến hành những thay đổi mà ông muốn. Ông tiến hành xây dựng triết lý chung cho đội tuyển Iran, gọi lại những cầu thủ Iran đang sinh sống tại những quốc gia khác (điều cấm kỵ trước đây) và tạo ra một đội tuyển với sự tổ chức tốt để có thể tự tin chơi bóng với cái đầu ngẩng cao tại World Cup.
Nhưng có điều mà ông Queiroz không thể thay đổi ở Iran: truyền thông. Truyền thông đã vùi dập Queiroz khi ông đặt ra mục tiêu chừng mực trước khi tham dự Asian Cup 2019 là lọt vào Top 4. Truyền thông cũng tung hô Iran hết lời sau khi đội tuyển này thể hiện phong độ hủy diệt với 12 bàn thắng, 0 bàn thua chỉ sau 5 trận tại Asian Cup 2019.
Trước Nhật Bản, đôi chân của các cầu thủ Iran không còn chơi bóng trên mặt đất. Họ vội vã lao lên muốn ăn tươi nuốt sống Nhật Bản. Sẵn sàng nhảy bổ vào trọng tài đòi ăn thua mặc dù bóng chưa lăn hết sân. Và chính trong pha xử lý nóng nảy lẫn non kinh nghiệm đó, Iran đã để thủng lưới, đánh mất hoàn toàn trận đấu trước Nhật Bản mưu trí và sắt đá.
Những giá trị rất riêng của Nhật Bản đã đưa "Samurai xanh" lọt vào trận chung kết Asian Cup 2019. Ảnh: AFC. |
Giá trị của tuyển Nhật Bản
Trước đội tuyển Việt Nam ở tứ kết, Nhật Bản đã chơi không ấn tượng, thậm chí tư tưởng phòng ngự phản công còn bị chỉ trích mạnh mẽ tại quê nhà. Hào quang của ĐT Nhật Bản từng làm vua Asian Cup bằng thứ bóng đá mê hoặc với những Shunsuke Nakamura, Yasuhito Endo hay Keisuke Honda khiến thứ bóng đá xù xì của ông Hajime Moriyasu trở nên bị ghẻ lạnh.
Song trước Iran hừng hực khí thế, thậm chí chủ quan, tư tưởng khiêm nhường ấy của Nhật Bản lại phát huy giá trị. Takumi Minamino sau khi bị va chạm ngã ra sân đã ngay lập tức bật dậy đuổi theo bóng để chuyền vào cho Yuya Osako đánh đầu mở tỷ số trước Iran. Minamino đã không làm điều mà rất nhiều cầu thủ sẽ làm trong tình huống đó: đòi phạt đền.
Không ai cắt nghĩa được rằng vì sao những cầu thủ Iran lại lao cả vào trọng tài như thế. Tuy nhiên, Minamino cùng toàn bộ đội hình Nhật Bản đã nằm ngoài lùm xùm để chỉ tập trung duy nhất vào một điều: quả bóng.
Những cái đầu lạnh cùng trái tim nóng đã đưa Nhật Bản vươn lên. Và khi Iran càng chơi càng tỏ ra nóng vội, Nhật Bản lại càng mạnh mẽ và sắt đá để lần lượt trừng phạt địch thủ bằng một pha phạt đền thành công sau tình huống trọng tài kêu gọi sự trợ giúp của VAR, cùng một tình huống solo trước khi dứt điểm ấn tượng của Genki Haraguchi trong thời gian bù giờ.
Không pha lập công nào trong số này của ĐT Nhật Bản tạo ra nhiều cảm hứng như cách mà Nakamura từng vỉa má ngoài tung lưới Oman tại Asian Cup 2004, hay cú volley kiểu Zidane tung lưới Australia tại Asian Cup 2011 của Tadanari Lee.
Tuy nhiên, đó mới là hình ảnh cho sự chuyển mình lớn nhất của Nhật Bản tại giải đấu đầu tiên sau gần một thập kỷ, họ không còn sự phục vụ của những ngôi sao kỳ cựu như Keisuke Honda, Shinji Kagawa, Shinji Okazaki hay Makoto Hasebe. Chất ngẫu hứng được chắt lọc, gia tăng sự kỷ luật và mạnh mẽ về mặt tư tưởng.
Takehiro Tomiyasu, hậu vệ sinh năm 1998 của ĐT Nhật Bản đã khóa chặt mũi nhọn đắt giá Sardar Azmoun của ĐT Iran. Ảnh: AFC. |
Brazil từng là niềm cảm hứng lớn để Nhật Bản học hỏi trước khi vươn mình thành nhà vua của châu Á. Kazuyoshi Miura huyền thoại đã rời Nhật Bản ở tuổi 15 để sang Brazil chơi bóng trước khi quay trở lại cùng biệt danh “King Kazu”. Daishiro Yoshimura, Wagner Lopes, Alessandro Santos (hay Alex như nhiều người từng biết) là những cầu thủ sinh ra tại Brazil nhưng phục vụ cho ĐT Nhật Bản trên tư cách cầu thủ nhập tịch. Zico, Leonardo, những tên tuổi lớn của bóng đá xứ sở Samba đều đã tới chơi bóng tại xứ sở Phù tang.
Khi Nhật Bản đã ở trên đỉnh cao châu Á, điều khiến “Samurai xanh” tiếp tục duy trì sức mạnh không còn là chất Brazil. Sự khiêm nhường, kỷ luật, những giá trị rất Nhật Bản mới đang là điều giúp đội tuyển này trải qua giai đoạn “quá độ” hết sức thành công với việc lọt vào trận chung kết Asian Cup 2019.
Iran chủ quan, khinh địch còn Nhật Bản khiêm nhường, sắt đá. Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng, Nhật Bản đã vượt qua Iran tại bán kết Asian Cup 2019 như thế.
Nhật Bản sẽ chờ đội thắng trong cặp Qatar gặp UAE tại trận chung kết. Đồ họa: Minh Phúc. |