Theo Digital Trends, Softbank Robotics đã mở cửa quán cà phê Pepper Parlor tại quận Shibuya nhộn nhịp của thủ đô Tokyo (Nhật Bản) với nhiều robot phục vụ thay cho con người.
Pepper là phiên bản người máy được Softbank giới thiệu vào năm 2015. Robot cao 120 cm, có khả năng nói chuyện, nhận diện khuôn mặt và cảm xúc của người dùng. Nó được sử dụng ở nhiều địa điểm khác nhau, từ bệnh viện, cửa hàng đến sân bay và viện bảo tàng.
Pepper phục vụ và trò chuyện với khách tại quán cà phê. Ảnh: Softbank. |
Tại quán cà phê Pepper Parlor, các robot chào đón khách, nhận đơn đặt hàng và trò chuyện với mọi người ở bàn của họ.
Ngoài Pepper, SoftBank cũng dùng hai robot Nao và Whiz. Nao có kích thước chỉ bằng một nửa Pepper, sẽ trình diễn điệu múa nhằm mua vui cho khách, trong khi Whiz sẽ sử dụng công nghệ làm sạch dựa trên AI để giữ gìn vệ sinh cửa hàng.
Có vẻ kỳ lạ khi một tập đoàn công nghệ khổng lồ như SoftBank lại kinh doanh quán cà phê. Công ty cho biết họ muốn sử dụng nơi này để tìm hiểu thêm về cách mọi người tương tác với robot, từ đó cải thiện thiết kế của các dịch vụ công nghệ cao.
Tuy nhiên, Digital Trends cho rằng chức năng của robot Pepper còn hạn chế. Khi được sử dụng tại bệnh viện, sân bay, nó không đảm đương việc thực hiện thủ tục phẫu thuật hay kiểm tra an ninh. Thay vào đó, người máy chỉ cung cấp nội dung giải trí hoặc thông tin cho người tương tác.
Softbank Robotics đang cải tiến để Pepper dần thông minh hơn. Nó đã có thể nhận diện khuôn mặt và cảm xúc của người dùng, đưa ra phản hồi bằng giọng nói hoặc hiển thị trên màn hình đặt ở trước ngực.