Bloomberg dẫn lời các nhà tổ chức cho biết có khoảng 50.000 người đã tham gia cuộc biểu tình ở Tokyo hôm 14/4, cuộc biểu tình lớn nhất trong gần 3 năm. Người biểu tình, trong đó có rất nhiều thanh niên, giương cao biểu ngữ gọi ông Abe là "kẻ nói dối" và yêu cầu ông từ chức.
Cuộc biểu tình ở Tokyo hôm 14/4. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Abe đã phải đứng trước quốc hội để bác bỏ sự liên quan của ông đối với 2 vụ bê bối về đất đai có dính líu đến 2 người gần gũi với ông. Tiếp đó, ông còn vướng vào cáo buộc che đậy hoạt động của quân đội Nhật Bản trong cuộc chiến Iraq.
Các vụ bê bối liên tiếp đã đẩy tỷ lệ tín nhiệm của Thủ tướng Abe xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, làm dấy lên câu hỏi về khả năng thắng cử vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do cầm quyền trong cuộc bầu cử đảng vào tháng 9 này. Nếu chiến thắng, ông sẽ trở thành thủ tướng cầm quyền lâu nhất ở Nhật Bản từ trước đến nay.
"Số lượng lớn người biểu tình là do nỗi tức giận đang lớn dần", Bloomberg dẫn lời Takeshi Suwahara, một trong những lãnh đạo của cuộc biểu tình. "Một cảm giác khủng hoảng đang lan rộng, người dân cảm thấy họ thật sự phải nói lên lẽ phải".
Bloomberg nhận định 50.000 người biểu tình là một con số đáng kể trong một đất nước mà mọi người thường dè dặt trong việc biểu hiện ở nơi công cộng. Dù vậy, con số này vẫn không thể sánh với 350.000 người biểu tình vào mùa hè năm 2015, khi ông Abe xúc tiến việc gia tăng quyền lực cho quân đội Nhật Bản.
Ông Abe đã "tai qua nạn khỏi" sau nhiều vụ bê bối trước đây nhờ vào sự chia rẽ trong phe đối lập và việc không có người thách thức đáng kể trong đảng của mình.
Cựu thủ tướng Junichiro Koizumi, người từng dìu dắt Abe, nói rằng việc chiến thắng nhiệm kỳ thứ 3 sẽ là một khó khăn cho ông Abe.
"Ông ấy đã mất lòng tin của công chúng", Koizumi nói.