Theo quy định tại Thông tư 165/2014/TT-BTC ban hành ngày 14/11/2014 và có hiệu lực từ 1/1/2015, mặt hàng xăng động cơ nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á sẽ chịu thuế 20%, còn xăng máy bay chịu thuế 10% và dầu diesel là 5%. Các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối chứng minh được nguồn gốc hàng từ các nước Đông Nam Á khi làm thủ tục hải quan sẽ được hưởng mức thuế suất này.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành (thông tư 03/2015/TT-BTC), mặt hàng xăng, dầu hỏa chịu thuế nhập khẩu 35%; dầu diesel đến 40%. Đây là mức thuế để tính giá cơ sở (để áp giá bán lẻ xăng dầu trong nước).
Doanh nghiệp đầu mối được hưởng lợi khi nhập khẩu hàng từ các nước Đông Nam Á. |
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, đại diện một đầu mối phía Nam, cho biết lâu nay, doanh nghiệp ít quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của hàng vì thuế nhập khẩu chung thường thấp hơn mức áp dụng trong biểu thuế ưu đãi theo các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới này, doanh nghiệp sẽ hỏi nhà cung cấp để lấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ nhằm hưởng ưu đãi thuế. “Chênh lệch vài chục điểm phần trăm thuế là nhiều lắm”, vị này nói.
Tuy nhiên, cũng theo vị này, người tiêu dùng sẽ không được hưởng lợi vì doanh nghiệp không thể tách bạch hàng nhập khẩu để áp dụng các mức giá khác nhau. Bên cạnh đó, cơ quan điều hành khi tính giá cơ sở cũng chỉ áp dụng một mức thuế là thuế chung.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2014, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã nhập khẩu 8,62 triệu tấn xăng dầu các loại với trị giá 7,67 tỷ đôla Mỹ. Trong đó, gần 2,6 triệu tấn là từ Singapore; 1,73 triệu tấn từ Trung Quốc; 1,26 triệu tấn từ Đài Loan; 888.000 tấn từ Thái Lan… So với năm 2013, hàng từ các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore đang có xu hướng tăng lên.