Theo South China Morning Post, Trung Quốc nhập khẩu khối lượng dầu thô kỷ lục trong tháng 5. Tuy nhiên, rất ít trong số đó đến từ Mỹ mặc dù các điều khoản của thỏa thuận thương mại giai đoạn một yêu cầu nước này mua số lượng lớn sản phẩm năng lượng của Washington.
Thay vào đó, những người mua Trung Quốc đã tận dụng đợt sụt giá dầu từ Trung Đông và Nga để tăng cường dữ trự quốc gia hoặc kiếm lời nhanh chóng, ngay cả khi giá dầu Mỹ lần đầu tiên rơi xuống mức âm.
Thất hứa
Như vậy, trong nửa đầu năm 2020, Trung Quốc đã thất bại trong việc thực hiện lời hứa mua các sản phẩm năng lượng từ Mỹ, bao gồm khí đốt và dầu mỏ. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục mua số lượng lớn thịt lợn và đậu tương.
Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc đã đồng ý tăng mua 52 tỷ USD sản phẩm năng lượng từ Mỹ trong vòng 2 năm tới, tức khoảng 2,2 tỷ USD mỗi tháng.
Tuy nhiên, tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc đã giảm 13,5% vào tháng 5. Trong 5 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu 600 triệu USD hàng hóa năng lượng Mỹ, thua xa mục tiêu 10,5 tỷ USD, theo AB Bernstein.
Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu trong 5 tháng đầu năm 2020. Ảnh: South China Morning Post. |
“Trong khi giá sản phẩm năng lượng giảm 50% kể từ đầu năm, trên cơ sở điều chỉnh giá, nhập khẩu hàng hóa năng lượng Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với thỏa thuận”, South China Morning Post dẫn lời ông Neil Beveridge, Giám đốc điều hành AB Bernstein tại Hong Kong, nhận định.
“Giá trị hàng năng lượng xuất khẩu của Mỹ có khả năng giảm từ 100 tỷ USD năm 2019 xuống còn 75-80 tỷ USD trong năm nay do giá và sản lượng giảm. Điều này có nghĩa là Mỹ cần gửi 65% sản phẩm năng lượng xuất khẩu sang Trung Quốc vào năm sau để đạt mục tiêu trong thỏa thuận”, ông nói thêm.
Bất khả thi
Giới chuyên gia nhận định mục tiêu đối với hàng hóa năng lượng trong thỏa thuận đã không thể thành công ngay từ đầu. Nguyên nhân là ưu tiên của các nhà máy lọc dầu Trung Quốc là dầu thô nặng đến từ Trung Đông, thay vì dầu thô ngọt của Mỹ.
Các quan chức của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết việc mua thêm sản phẩm năng lượng Mỹ không được xem là ưu tiên. Họ cũng không kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu.
“Thay vào đó, Trung Quốc thích thảo luận về hàng hóa nông sản hơn”, chuyên gia phân tích Dan Wang tại Economist Intelligence Unit ở Bắc Kinh nhận định.
Giới phân tích nhận định Mỹ và Trung Quốc khó đạt mục tiêu về hàng hóa năng lượng. Ảnh: South China Morning Post. |
“Ngay cả khi Trung Quốc đáp ứng mục tiêu về năng lượng, tình trạng dư cung trong nước sẽ trở thành vấn đề lớn hơn. Trong khi đó, nhu cầu đối với thực phẩm có thật và họ vẫn đang nhập khẩu”, cô nói thêm.
Thêm vào đó, các nhà nhập khẩu còn lo sợ rằng dầu sẽ bị áp thuế bổ sung khi đến Trung Quốc, theo cô Michal Meidan, Giám đốc Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Oxford.
“Nếu không có sự đảm bảo từ chính phủ, họ rất khó nhập khẩu”, cô nhấn mạnh.
“Nếu bạn mua 130.000 hoặc 350.000 thùng dầu thô mỗi ngày, ông Trump sẽ chẳng ra ngoài và nói với các nhà sản xuất đá phiến: ‘Hãy nhìn những thứ tuyệt vời mà tôi làm được cho các bạn đi’ theo cách ông ta đã làm với người nông dân. Bởi hàng hóa năng lượng không mang thêm phiếu bầu cho ông Trump”, cô Meidan nói thêm.
Erica Downs, chuyên gia về ngành năng lượng Trung Quốc và địa chính trị tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, cho biết nhiều nhà phân tích đã nghi ngờ về khả năng đạt được mục tiêu ngay từ khi bắt đầu.
“Tuy nhiên, họ vẫn hy vọng rằng các mục tiêu sẽ giúp thúc đẩy Trung Quốc mua hàng hóa năng lượng từ Mỹ. Hai quốc gia sẽ phải trực tiếp giải thích nếu không đạt được mục tiêu”, chuyên gia này nói thêm.
Scott Lauermann, phát ngôn viên của Viện Dầu khí Mỹ, kêu gọi Mỹ “tiếp tục thảo luận với Trung Quốc và tránh leo thang căng thẳng thương mại bởi điều này có thể làm giảm khả năng phục hồi nền kinh tế và an toàn năng lượng về lâu dài”.