'Đáng giận'
“Người đã mất, còn gì để nói. Hiện nay, nhiều tài xế xe buýt và phụ xe không lịch sự hay thân thiện. Nếu hành khách nhầm, nhân viên chỉ cần nói bến sau họ có thể xuống vì dừng xe bây giờ ảnh hưởng thời gian, công việc của hành khách khác. Nhân viên bán vé này cãi nhau với khách nên sự việc mới có hậu quả như vậy. Ở Việt Nam, rõ ràng khách hàng bỏ tiền mua hoặc thuê dịch vụ, nhưng cuối cùng họ không được gì mà còn mang cục tức vào người”, một độc giả bày tỏ quan điểm trên Zing.vn.
Độc giả Nguyen Phuong Pu viết: “Người chết cũng chết rồi. Chúng ta không nên xúc phạm hay nói gì thêm, nhưng hành động và cách ứng xử của anh nhân viên như vậy cũng đáng để suy nghĩ”.
Bạn đọc Kintensten Cuong nhấn mạnh, người khách ở tỉnh lên thành phố kiếm sống, vì là người mới, anh ta không biết đường và mang hành lý nặng nên anh có đi nhầm xe hay xuống nhầm tuyến là chuyện cần được thông cảm.
“Anh nhân viên đã chết cũng như nhiều nhân viên xe buýt khác nếu làm việc không có tâm nên xin nghỉ để kiếm việc khác, đừng làm công việc không thoải mái rồi gây hậu quả nghiêm trọng”, anh này góp ý.
Đoạn đường xảy ra vụ ẩu đả. |
Xe buýt là phương tiện công cộng, tài xế và nhân viên được kỳ vọng có văn hóa ứng xử văn minh, thế nhưng, không ít độc giả có những trải nghiệm trái ngược. Họ khẳng định nhiều lần thấy các bác tài tay cầm điếu thuốc ngay bên dòng chữ cấm hút thuốc, hoặc to tiếng với những người đáng tuổi cha mẹ vì xin xuống đường lúc cận kề chỗ chờ xe buýt...
Có cái nhìn trung lập hơn, độc giả Bui Quang Vinh góp ý, anh mong mọi người đừng vội phán xét. Thứ nhất, sự việc chưa xác định được là hành khách chủ động tấn công trước hay bị đánh trước nên tự vệ, đánh lại. Thứ hai, nhân viên xe buýt ngã đập đầu xuống đường bất tỉnh do anh ta tự ngã hay hành khách tác động vẫn chưa rõ.
'Nên thông cảm'
"Thời gian làm việc của các nhân viên và tài xế là từ sáng sớm đến tận khuya trong điều kiện và môi trường khá khắc nghiệt, vì vậy, họ khó tránh khỏi lúc nóng nảy khi gặp chuyện với hành khách. Mọi người nên thông cảm cho họ vì một sự nhịn, chín sự lành", độc giả Rosie chia sẻ.
Theo nữ độc giả này, cơ quan chủ quản cần tổ chức lớp ngắn hạn hoặc các buổi nói chuyện thân thiện thường xuyên cho các tài xế và nhân viên xe buýt. Từ các buổi học, họ được cập nhật thông tin về lộ trình, giá vé, loại vé, đưa ra ý kiến cá nhân về quá trình làm việc, cung cách phục vụ của ngành dịch vụ hành khách, cách kìm nén cảm xúc khi gặp nhiều kiểu hành khách khác nhau... Xe buýt là phương tiện bình dân nhưng cách cư xử của họ không nên chỉ dừng ở mức bình dân hoặc dưới bình dân.
Nhân viên bán vé xe buýt tử vong phục vụ xe tuyến số 32 (chạy tuyến Bến xe miền Tây – Bến xe ngã tư Ga). |
Độc giả Nguyen Binh cũng có đồng quan điểm với Rosie, đề nghị cộng đồng đặt mình vào trường hợp của những bác tài xế xe buýt hay nhân viên soát vé. Xe trễ 5-7 phút là họ bị phạt, đó là cơm ăn, tiền đi học của con cái, chi phí sinh hoạt, điện, nước trong gia đình. Nếu họ chạy không đủ chỉ số, sản lượng, cuối tháng, cuối quý họ sẽ bị cắt thưởng. "Nhiều xe chờ đến giờ cao điểm để chạy cho đủ chỉ tiêu, nhưng phần lớn khách hàng là sinh viên, học sinh đi vé tháng, vé quý, vậy đời sống của họ làm sao được cải thiện? Mọi người có thấy tài xế nào nhờ lái xe buýt trở nên giàu có không?", độc giả này đặt câu hỏi.
Kết quả thăm dò thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt trên Zing.vn
Lựa chọn |
Số lượng |
Ân cần, lịch sự và giúp đỡ hành khách |
4,98% |
Thiếu tôn trọng, hách dịch với hành khách |
95,02% |
Bên cạnh việc lên án một số xe buýt chạy rất ẩu, Nguyen Binh chia sẻ thiện cảm với những bác tài vẫn dừng xe lại khi hành khách trễ trạm đưa tay quắc vội.
“Các bạn đừng nghĩ chuyến xe buýt nào cũng vậy, đừng vơ đũa cả nắm, tội cho người ta. Tôi thấy có nhiều tuyến xe rất lịch sự, văn minh. Là sinh viên, học sinh, công nhân viên, phương tiện đi lại hữu ích vẫn là xe buýt, đó cũng là lý do nó tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, cũng có những lái xe, nhân viên thiếu lịch sự văn minh, điều đó ngành xe buýt cần cải thiện để phục vụ khách hàng tốt hơn”, một độc giả nhận định.