Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định 104/2007 về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhằm hạn chế tối đa những bất cập của hoạt động kinh doanh này thời gian qua.
Đi đòi nợ phải mặc đồng phục
Bộ Tài chính cho rằng kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề khá nhạy cảm, nên việc quy định về trang phục cho người lao động là rất cần thiết để tăng cường sự giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động này thông qua việc nhận diện nhân viên đòi nợ.
Việc này cũng hạn chế được tình trạng tụ tập, gây rối diễn ra gần đây. Đồng thời nâng cao nhận thức của xã hội về ngành nghề dịch vụ đòi nợ là ngành nghề hợp pháp, giúp khách nợ khi tiếp xúc làm việc với nhân viên đòi nợ thuê có mang trang phục cảm giác yên tâm.
Ngoài ra, việc quy định về trang phục còn tạo ra ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động trong hoạt động kinh doanh này và hạn chế các vi phạm khi đi đòi nợ.
Theo đó, Bộ Tài chính bổ sung quy định yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê phải cấp trang phục cho người lao động bằng cách tự thiết kế. Trên trang phục phải có tên doanh nghiệp và công khai mẫu trang phục tại trụ sở chính và các chi nhánh nếu có.
Đồng thời, người đi đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này khi làm việc trực tiếp với chủ nợ hoặc khách nợ, hoặc với các tổ chức, cá nhân liên quan.
Trong trường hợp người lao động đã nghỉ việc, công ty đòi nợ thuê phải thu hồi lại đồng phục và thẻ nhân viên đã cấp.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Ảnh: N.T. |
Đề xuất này đưa ra trong bối cảnh theo báo cáo của các địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An… thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ tổ chức thành đoàn, tụ tập đông người với trang phục kiểu “xã hội đen, đầu gấu" để đi thu nợ, gây rối tại nơi ở, nơi sản xuất của khách nợ. Điều này gây tâm lý hoang mang, cản trở kinh doanh, ảnh hưởng đến danh dự, quyền tự do của các khách nợ.
Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng cho biết có 372 trường hợp khiếu nại liên quan về tài chính, ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nay. Cơ quan này đã tiếp nhận 90 cuộc gọi phản ánh bị gọi điện đe dọa, đòi nợ.
Sếp đòi nợ thuê phải có bằng đại học
Trước đó, Bộ Tài chính cũng khẳng định hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt còn xảy ra các vi phạm về an ninh, trật tự. Nguyên nhân do các công ty kinh doanh dịch vụ này sử dụng nhân viên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; hoạt động không đúng địa chỉ, không đúng nội dung đăng ký kinh doanh.
Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng ghi nhận nhiều sai phạm liên quan đến an ninh trật tự như vụ Công ty Tai Ga (trên địa bàn TP.HCM) đòi nợ có hành vi “khủng bố”, nhân viên Chi nhánh công ty Công Lý (TP.HCM) có hành vi câu kết với các đối tượng xã hội đen bắt cóc, tống tiền để đòi nợ…
Vì vậy, Dự thảo lần này Bộ Tài chính cũng bổ sung một số nội dung liên quan tới điều kiện kinh doanh và người quản lý, lao động của công ty đòi nợ thuê.
Cụ thể, người muốn mở doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này phải có mức vốn điều lệ 2 tỷ đồng trở lên. Đồng thời, giám đốc chi nhánh doanh nghiệp đòi nợ phải có trình độ học vấn đại học trở lên, và thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.
Bên cạnh đó, những người này phải chưa từng bị kết án.
Các nhân viên thu nợ cũng phải có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên, thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.
Các trường hợp người lao động đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng trong và ngoài nước đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử sẽ không được phép làm việc trong các doanh nghiệp đòi nợ thuê.
Các đối tượng đã từng bị kết án, đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; cải tạo không giam giữ; quản chế, cấm cư trú... cũng không được phép làm nhân viên thu nợ.