Những con phố lớn như Láng Hạ, Đào Duy Anh hay Kim Mã vẫn là nơi đặt trụ sở chính của nhiều công ty chứng khoán, nhưng thay vì cảnh tấp nập quen thuộc, các sàn giao dịch giờ đây trống vắng hơn nhiều. Là nhân viên giao dịch của một sàn lớn trên đường Láng Hạ, chị Hường cho biết, công việc của chị vẫn bắt đầu từ 8h30 sáng như thường lệ gần 10 năm nay, nhưng thực chất đã khác nhiều.
"Đã gắn bó với nghề cả chục năm nên không muốn bỏ ngang, chứ tiền lương giờ chỉ chưa đến 4 triệu đồng/tháng, không đủ duy trì cuộc sống. Nhân viên, cộng tác viên bộ phận từ gần 20 người nay chỉ còn 4, tính cả sếp, nên phải kiêm nhiệm nhiều thứ việc. Không chỉ phục vụ khách giao dịch mà có khi tôi còn làm cả công việc thủ quỹ, kế toán, thậm chí là đi lấy công văn... Nhiều việc là thế nhưng chúng tôi cũng không kỳ vọng gì về chuyện thưởng Tết, có thể là nửa tháng lương hay không có gì cũng được, vì đây là tình trạng chung của ngành nên phải chấp nhận thôi".
Làm việc trong khu vực dành cho khách VIP, công việc hàng ngày của chị là nhận lệnh của khách hàng vào phiên giao dịch, trao đổi những thông tin mà khách hàng quan tâm và hoàn tất chứng từ vào cuối ngày. Năm 2010, dù những ảnh hưởng của kinh tế đã ngấm vào thị trường chứng khoán, nhưng khu vực chị làm việc vẫn còn nhiều người mua bán tới vài trăm ngàn cổ phiếu mỗi phiên. Đến nay, phòng giao dịch hầu như chỉ còn nhân viên với nhau, khách hàng có đến cũng chỉ ngồi vào máy của riêng mình, trầm tư, lâu lâu mới phát lệnh.
Mức lương của nhân viên chứng khoán, đặc biệt là bộ phận môi giới giảm rõ rệt khi thj trường rơi vào trạng thái ảm đạm thời gian dài. |
Chị Hường cũng chia sẻ, nếu như vài năm trước, nhân viên môi giới không hoàn thành chỉ tiêu vẫn bị áp mức phạt đến tiền triệu, thì đến năm nay, công ty cũng thông cảm cho người lao động mà bỏ đi quy định này. Nhưng các khoản phụ cấp trong năm như xăng xe, điện thoại, ăn trưa lại cắt hết, lương cho những nhân viên chỉ chuyên làm môi giới có khi chỉ còn 1,5 triệu đồng/tháng.
"Để duy trì giao dịch, anh em trong bộ phận phải gọi điện liên tục cho khách, tư vấn, gợi ý khách mở tài khoản, duy trì giao dịch. Người hiểu thì biết chúng tôi chỉ đang làm công việc của mình, người không hiểu thì mắng nhiếc sỗ sàng, cho rằng chính chúng tôi đã làm họ cháy tài khoản, mất tiền... Có những khi chán nản, hễ hết giờ là người làm chứng khoán tắt điện thoại, chẳng buồn liên lạc với bất cứ ai".
Có kinh nghiệm lâu năm làm việc đã khó, những nhân viên mới gia nhập thị trường, mọi chuyện còn khó khăn gấp bội. Anh Hà, nhân viên làm việc tại bộ phận đào tạo của Ủy ban Chứng khoán, cho biết rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành chứng khoán ra trường một hai năm nay mới đi học lấy chứng chỉ, nhưng không biết để làm gì.
"Họ nói trong thời gian rảnh rỗi của thị trường thì tranh thủ đi học, đi thi, chờ đến khi chứng khoán nóng trở lại thì quay về làm nghề. Dù ghi danh trong công ty để thực tập, làm việc không lương cứng, nhưng để duy trì cuộc sống, nhiều người phải bán hàng chợ đêm, mở cửa hàng kinh doanh quần áo, mỹ phẩm, hay chạy xe ôm cổng trường. Tất nhiên, đến Tết chẳng chờ đợi có khoản tiền cuối năm, chỉ mong năm tới có việc đều đặn, công ty không cắt mảng môi giới khỏi hoạt động".
Trong tình cảnh giao dịch ảm đạm, nhà đầu tư quay mặt với công ty, hắt hủi nhân viên chứng khoán, nhiều người đam mê vẫn thiết tha với nghề. Gắn bó với công việc môi giới đã gần 15 năm, anh Đức, một môi giới kỳ cựu vẫn cười khi kể chuyện lương thưởng cuối năm.
"Đó là phép tính khó ai ngờ được. Làm việc lâu trong nghề đã quen với chuyện vui buồn lương, thưởng. Cả năm làm việc có thể rất bi đát, nhưng một tháng trước kỳ chốt thưởng Tết, thị trường ấm lên, giao dịch sôi động, dân môi giới lại kiếm được tiền. Như năm ngoái nhiều anh em cùng công ty nghĩ rằng chẳng được đồng nào về ăn Tết, thì bất ngờ đút túi vài chục triệu tiền giao dịch và thưởng Tết. Hi vọng năm nay thị trường cũng không phụ người làm nghề".