Theo CNN, cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 đã phơi bày tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Tuần này, Thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders đề xuất đánh thuế những công ty trả quá nhiều tiền cho các lãnh đạo cấp cao. Trong khi đó, cổ đông của Starbucks cũng bỏ phiếu phản đối mức lương của CEO Kevin Johnson. Theo CNN, một số cho rằng ông được trả lương quá cao.
Ông Kevin Johnson được thưởng 1,86 triệu USD trong năm tài chính 2020. Bên cạnh đó là khoản "thưởng giữ chân" lớn, giúp tăng động lực cho ông đảm đương vị trí CEO đến hết năm 2022.
Cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 đã phơi bày tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng. Ảnh: Reuters. |
Thưởng quá cao
Các cổ đông thường không ngần ngại chi khoản thưởng lớn cho CEO, miễn là phù hợp với hiệu quả hoạt động của công ty. Trong những thập kỷ qua, các khoản thưởng đã bùng nổ, theo Viện Chính sách Kinh tế Mỹ. Tính từ năm 1978 đến năm 2018, mức lương thưởng cho CEO leo dốc 1.000%.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 buộc hàng loạt tập đoàn phải đánh giá lại.
Hai công ty tư vấn Institutional Shareholder Services và Glass Lewis đều khuyến nghị các cổ đông bỏ phiếu phản đối Starbucks. Hãng Glass Lewis khẳng định "Starbucks trả lương CEO ngang ngửa với những công ty khác dù hoạt động kém hơn".
Theo phân tích từ Diligent, khoảng 25% công ty thuộc chỉ số Russell 3000 của Mỹ đã điều chỉnh lương thưởng đối với các giám đốc điều hành sau đại dịch.
Tuy nhiên, phần lớn điều chỉnh được thực hiện đối với lương cơ bản của giám đốc điều hành, theo chủ tịch Lisa Edwards của Diligent. Trong khi đó, lương cơ bản thường chỉ chiếm một phần nhỏ so với các khoản thưởng theo cổ phiếu và những tài sản có thể sinh lời khác.
Ông Kevin Johnson, CEO của Starbucks. Ảnh: Reuters. |
Theo dữ liệu của Equilar, 134 công ty Mỹ niêm yết trên các sàn giao dịch lớn đã tăng lương cho CEO trong năm tài chính 2020. Trong khi đó, 81 công ty cắt giảm và 58 công ty giữ nguyên.
Theo bà Lisa Edwards, sau cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19, các doanh nghiệp sẽ chịu áp lực gắn lương thưởng với những mục tiêu đa dạng hoặc mục tiêu môi trường. "Dịch Covid-19 tạo ra những thay đổi. Cùng với đó là nhận thức về các vấn đề xã hội và công bằng được nâng cao. Doanh nghiệp đang tìm cách điều chỉnh theo những gì người tiêu dùng muốn thấy", bà nói thêm.
Ông Sanders - Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ - cũng đang tìm cách áp thuế cho các doanh nghiệp trả lương CEO cao gấp 50 lần (hoặc hơn) mức lương trung bình của nhân viên.
Người dân Mỹ đang yêu cầu các tập đoàn lớn phải trả phần thuế công bằng và đối xử với nhân viên bằng sự tử tế và tôn trọng mà họ xứng đáng có được
- Thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders
"Khi bất bình đẳng giàu nghèo và thu nhập trở nên nghiêm trọng, người dân Mỹ đang yêu cầu các tập đoàn lớn phải trả phần thuế công bằng và đối xử với nhân viên bằng sự tử tế và tôn trọng mà họ xứng đáng có được", ông khẳng định trong một tuyên bố.
UBS cũng âm thầm cấm các cố vấn tài chính của công ty chào bán cổ phiếu SPAC cho những khách hàng lớn.
SPAC là những công ty mua lại có mục đích đặc biệt. Thông qua thu mua hoặc sáp nhập, SPAC có thể đưa doanh nghiệp ra đại chúng mà không cần thông qua quy trình IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) truyền thống. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, các SPAC đã huy động được 80 tỷ USD, tăng 2.000% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo quyết định của UBS, các cố vấn của công ty không được phép khuyến nghị những khách hàng giàu có mua hoặc bán SPAC cụ thể trên thị trường mở. Một khi các pháp nhân đã IPO, cố vấn mới có thể chào bán cổ phiếu.
"Đó là sự vô nhân đạo"
Một cuộc khảo sát nội bộ hồi tháng 2 với 13 chuyên viên phân tích đầu tư của Goldman Sachs cũng cho thấy bức tranh vô cùng u ám về môi trường làm việc tại ngân hàng khổng lồ này.
Hơn 10 chuyên viên phân tích mới của Goldman Sachs than thở rằng họ phải làm việc trung bình 95 giờ/tuần, chỉ ngủ 5 tiếng mỗi đêm và bị lạm dụng ở nơi làm việc. Đa số thừa nhận sức khỏe tinh thần của họ tệ đi đáng kể sau khi vào làm việc tại ngân hàng.
"Có thời điểm tôi không ăn uống, tắm rửa hay làm gì khác ngoài làm việc từ sáng sớm cho đến nửa đêm", một chuyên viên tiết lộ. Theo thang điểm 1-10, các nhân viên đánh giá điểm sức khỏe tinh thần chỉ 2,8 và sức khỏe thể chất 2,1.
Các nhân viên Goldman Sachs than thở về tình trạng kiệt quệ sức lực, tinh thần sa sút sau khi vào làm việc ở ngân hàng. Ảnh: Getty Images. |
Trả lời báo chí, đại diện Goldman Sachs cho biết đang từng bước giải quyết các khiếu nại của nhân viên. Người này thừa nhận "biết nhân viên rất bận rộn vì hoạt động kinh doanh phát triển mạnh mẽ và doanh số đạt mức kỷ lục".
Theo thống kê của Wall Street Oasis, lương năm đầu của chuyên viên phân tích đầu tư tại Goldman Sachs - bao gồm lương cơ bản và thưởng - vào khoảng 123.500 USD.
Lãnh đạo các ngân hàng quan niệm rằng nhân viên trẻ thường chấp nhận "cày" dữ dội để giành cơ hội thăng tiến, lên những vị trí có mức lương hàng triệu USD/năm sau này.
Theo CNN, rất ít người bước vào thế giới ngân hàng khốc liệt tại Phố Wall với mong muốn đi làm vào 9h sáng và về nhà lúc 5h. Tuy nhiên, nhiều chuyên viên mới chỉ cần công ty của họ giới hạn thời gian làm việc mỗi tuần xuống 80 giờ.
"Điều này vượt quá mức 'làm việc chăm chỉ'. Đó là sự vô nhân đạo", một nhân viên bức xúc.