Cuộc đời vẫn đẹp sao đang dừng ở tập 21. Nội dung phim vẫn xoay quanh cuộc sống nơi xóm chợ nghèo của Luyến (Thanh Hương, Lưu (Hoàng Hải), Điền (Tô Dũng), Bình (Minh Cúc), bà Tình (Thanh Quý)...
Nhân vật Bát (Tuấn Anh đóng), em trai của Luyến, thuộc tuyến vai phụ nhưng đang gây tranh cãi. Bát bắt đầu xuất hiện trong khoảng 5-6 tập phim gần đây. Anh ta không hẳn là nhân vật phản diện nhưng hội tụ nhiều tính cách xấu xí, dẫn đến bị ghét thậm tệ. Bát vốn ăn chơi lêu lổng, vô công rồi nghề, nợ nần chồng chất đến mức Luyến gọi là "thằng báo đời".
Bị ghét vì lưu manh, nham nhở
Bát tìm đủ mọi cách để ăn bám Luyến nhưng không thành. Bát còn tìm đến bà Tình - mẹ chồng cũ của Luyến - để vòi tiền, xin ăn bất chấp dù bà nghèo khổ, phải đi bán rong hàng ngày. Bà Tình mủi lòng, nhường cả phần cơm ít ỏi của mình cho gã trai trẻ vô liêm sỉ.
Nhân vật Bát khiến khán giả ghét cay ghét đắng. |
Một đối tượng nữa bị Bát lợi dụng là Thạch (Việt Hoàng), con trai của Lưu. Trong một lần tình cờ, Bát phát hiện Thạch là con của Lưu nên đã bám theo, rồi làm quen và cùng xin việc tại một quán cà phê. Bát giở thói lưu manh, nói dối để xin từng đồng lẻ của cậu sinh viên nghèo. Tất nhiên, Thạch vốn hiền lành nên không mảy may nghi ngờ. Trong diễn biến mới nhất, Bát còn lấy trộm chiếc đồng hồ mà Thạch mượn từ ông chủ, khiến Thạch phải mua đền.
Khi Thạch kể nỗi khổ với Bát, anh ta nói giọng tỉnh bơ như không: "Hoàn cảnh anh em mình, mượn đồ người khác xong nói một câu xanh rờn là anh ơi em làm mất, thử hỏi ai tin. Rồi anh ấy lại nghĩ mình lợi dụng lòng tốt của anh ấy, có khi vừa phải đền lại mất việc".
Một mặt, Bát giả vờ tốt bụng, đưa một khoản tiền nhỏ cho Thạch xoay xở. Mặt khác, hắn dụ Thạch đến chỗ người quen để vay nặng lãi. Khi Thạch vừa ra khỏi nhà, Bát gọi điện, nói giọng nham nhở: "Chị à, có khứa nhá. Nhớ cắt cho em mấy cánh hoa hồng đấy".
Trên fanpage phim, các trích đoạn liên quan nhân vật Bát đều nhận được rất nhiều lượt tương tác cùng hàng trăm nghìn bình luận trái chiều. Đa số khán giả bày tỏ phẫn nộ, không chấp nhận được con người của Bát. Thậm chí, một bộ phận người xem ý kiến rằng đạo diễn nên sớm cắt vai nhân vật này để trả lại sự bình yên cho phim.
"Diễn viên có thể diễn tốt nhưng sự xuất hiện của Bát không còn thấy cuộc đời vẫn đẹp sao. Dù cho cuối phim có kết thúc hậu thì quá trình không đẹp sao này bị mất quá nhiều tập. Hãy để khán giả xem phim cảm thấy như một sự giải trí tích cực, đừng để quá nhiều ức chế khiến khán giả bỏ cuộc" - một khán giả chia sẻ.
Tài khoản tên Hoàng Yến nêu quan điểm: "Cho Bát hết vai đi, từ lúc có Bát vào mình không muốn xem nữa, bỏ luôn. Phim chữa lành tâm hồn mà mỗi lúc lại thấy hoang mang và bất an luôn. Chưa bao giờ xem phim mà ghét một nhân vật như thế này".
"Đạo diễn chọn vai Bát sao lại báo đời thật thế nhỉ, nhìn ghét tới mức không muốn xem luôn", "Biết là phim, là diễn, là phản ánh hiện thực xã hội, nhưng cứ thấy Bát lại nơm nớp sợ. Thương những người lương thiện, hiền lành sẽ bị bát chơi xấu, chơi đểu. Nên chăng đạo diễn hãy cho Bát thoát vai"... là loạt ý kiến khác từ người xem.
Cần tiết chế để tránh lan man
Tuy nhiên, bên cạnh đó, bộ phận khán giả khác khen diễn xuất của Tuấn Anh khi thể hiện ra chất một thanh niên hư hỏng, "hết thuốc chữa". Từng biểu cảm, câu thoại, cái nhếch mép, ánh nhìn gian xảo của Bát đều khá chân thực, tự nhiên. Theo những ý kiến này, nhân vật Bát là đại diện cho thành phần xấu trong xã hội. Và phim ảnh cũng vậy, có vai tốt, có vai xấu.
"Phim này vốn dĩ là toàn cuộc sống khó khăn, bấp bênh rồi mới đi lên và tốt đẹp. Nhân vật nào cũng vậy. Nó giống như ngoài đời, luôn có người chơi xấu mình trong công việc và cuộc sống", một thành viên mạng bình luận.
Người khác có chung quan điểm: "Thực tế xã hội là vậy, có người hiền lành cũng có người điêu ngoa lừa lọc. Gặp người tốt thì có thêm niềm tin vào cuộc sống, gặp người xấu thì có thêm bài học. Còn chính bản thân mình muốn sống và làm người như thế nào ắt sau này sẽ nhận cái kết xứng đáng".
Thanh Hương và Hoàng Hải đảm nhận vai chính trong phim. |
Sở dĩ nhân vật Bát bị phản ứng mạnh một phần vì mạch phim từ đầu theo hướng nhẹ nhàng, tích cực, xúc động xen lẫn màu sắc hài. Hình ảnh những người lao động nghèo ở xóm chợ gầm cầu gây ấn tượng với khán giả, bởi họ chân chất và lương thiện. Họ có thể cũng bỗ bã, xấu tính, ghen ghét, đố kỵ nhau nhưng bản chất là tốt. Cho đến khi Bát xuất hiện, anh ta là một nhân cách trái ngược, làm đảo lộn mọi thứ. Khán giả ghét Bát là điều dễ hiểu.
Hiện tại, Cuộc đời vẫn đẹp sao vẫn giữ được sự hài hước, dí dỏm vốn có. Vai Bát gây ức chế nhưng chưa đến mức "chiếm sóng" của những tuyến nhân vật khác. Tuy nhiên, ở những tập sau, nếu câu chuyện về Bát không được tiết chế sẽ dễ dẫn đến lan man, dài dòng. Bởi trọng tâm của tác phẩm vẫn là Lưu - Luyến và xóm chợ. Thêm nữa, với phản ứng hiện nay của khán giả, nếu sự đáng ghét của Bát được đẩy lên cao trào hơn, việc tẩy chay nhân vật là khó tránh.
Bài học về sự trưởng thành từ trong gian khó
Tro tàn của Angela là cuốn hồi ký của tác giả người Mỹ gốc Ireland - Frank McCourt, đoạt giải Pulitzer 1997. Câu chuyện kể về thời thơ ấu của tác giả ở Brooklyn, New York, Mỹ nhưng chủ yếu tập trung vào những năm tháng gia đình ông chuyển về quê mẹ sống ở khu ổ chuột Limerick, Ireland.
Tuổi thơ của McCourt là những ngày dài sống trong cảnh nghèo túng, bệnh tật, rác rưởi và thiếu thốn. Sự nghèo đói đeo đuổi lại thêm một người cha nghiện rượu khiến cho gia đình họ phải đi ăn xin từng bữa, nhặt nhạnh mọi thứ.