Danh sách quan chức bị thanh trừng bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cùng các trợ lý hàng đầu tại Lầu Năm Góc, hai nhân viên cấp cao thuộc Bộ An ninh Nội địa, nhà khí tượng Michael Kuperberg và người đứng đầu cơ quan bảo vệ an toàn vũ khí hạt nhân.
Kiến trúc sư trưởng của chiến dịch thanh trừng nội bộ chính quyền Tổng thống Trump là cố vấn 30 tuổi Johnny McEntee.
Cố vấn cấp cao John McEntee của Tổng thống Trump. Ảnh: Washington Post. |
Trung thành tuyệt đối
Xuất phát điểm là một cựu cầu thủ bóng bầu dục tài năng, McEntee trở thành cận vệ của Tổng thống Trump ngay sau khi ông đắc cử vào năm 2016.
Theo cựu trợ lý Stephanie Winston Wolkoff của Đệ nhất Phu nhân Melania Trump, người đứng đầu Nhà Trắng lần đầu gặp McEntee khi cựu danh thủ bóng bầu dục giao bánh mỳ kẹp gà tây cho ông Trump.
“Donald (Trump) chộp lấy túi bánh và bảo McEntee ngồi xuống, sau đó bảo: ‘Từ giờ, cậu sẽ phụ trách buổi lễ nhậm chức của tôi’”, bà Wolkoff kể lại.
McEntee từng là cầu thủ bóng bầu dục. Ảnh: AP. |
Phụ tá sinh năm 1990 nhanh chóng trở thành điểm tựa đáng tin cậy của tổng thống Mỹ thứ 45. Với vai trò thân tín, McEntee hầu như luôn có mặt bên ông Trump.
Thời điểm đó, các quan chức mô tả McEntee là người vui vẻ, hay xuất hiện ở những nơi quan trọng nhưng không có ảnh hưởng đặc biệt.
Vào tháng 3/2018, McEntee bị Chánh văn phòng Nhà Trắng lúc đó là John Kelly sa thải vì hồ sơ không trong sạch với những khoản nợ bất chính và thú vui cờ bạc trực tuyến.
Ông Kelly lúc đó lập tức cho người hộ tống McEntee khỏi Cánh Tây của Nhà Trắng, động thái đã khiến nhiều người thân cận với ông Trump phẫn nộ.
“Tổng thống coi cậu ấy (McEntee) là một thân tín rất trung thành”, Chris Ruddy, bạn thân ông Trump, cho biết.
McEntee là cận vệ thân thiết của Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters. |
Thời điểm sau khi diễn ra phiên luận tội Tổng thống Trump, McEntee được tuyển trở lại Nhà Trắng vì tổng thống đương nhiệm cảm thấy không thể tiếp tục tin tưởng những quan chức liên bang đã chống lại ông.
Do đó, McEntee, một người được tổng thống tín nhiệm, đã trở thành Giám đốc Văn phòng Nhân sự của chính quyền Mỹ.
McEntee nhanh chóng thay thế các nhân viên lâu năm thuộc phòng nhân sự bằng một nhóm phụ tá ở độ tuổi 20-30, đồng thời loại bỏ những quan chức được cho là không đủ trung thành với Tổng thống Trump.
“Tôi ở đây là vì tổng thống, tôi không ngại phải sa thải nhân sự”, McEntee nói với một quan chức Nhà Trắng giấu tên.
McEntee "không ngại sa thải người khác" vì lòng trung thành với ông Trump. Ảnh: AFP. |
“Johnny trung thành hết mình với Tổng thống Trump. Cậu ấy không hiểu về quy trình hoạt động của các bộ phận trong chính thể liên bang, cũng không nắm rõ yêu cầu về mặt kĩ năng để bổ nhiệm nhân sự trong nội các”, nguồn tin nói trên nhận định. “Điều này đã cản trở thay vì hỗ trợ tổng thống, khi những người không đủ năng lực lại giữ vai trò quan trọng”.
“John McEntee đã phụng sự tổng thống từ những ngày đầu tiên. Cậu ấy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hỗ trợ ông Trump hoàn thành những mục tiêu đề ra. McEntee là một mảnh ghép quý giá trong chính quyền hiện tại, do đó sự chỉ trích nhằm vào cậu ấy chủ yếu đến từ những người không nắm rõ tình hình”, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows ca ngợi McEntee.
Thanh trừng hàng loạt
Kể từ khi ông Biden tuyên bố đắc cử tổng thống Mỹ thứ 46, McEntee đã ra tối hậu thư yêu cầu các quan chức liên bang không hợp tác với phe Dân chủ để tiến hành chuyển giao quyền lực.
Cố vấn 30 tuổi đồng thời cảnh báo sẽ loại bỏ những người không thể hiện sự trung thành khi tìm kiếm cơ hội việc làm dù ông Trump chưa nhận thua, tờ Washington Post dẫn nguồn tin nội bộ cho biết.
Những động thái nói trên là đỉnh điểm của chiến dịch "thanh lọc nhân sự" bên trong Nhà Trắng kéo dài nhiều tháng.
McEntee và các cộng sự đang mạnh tay loại bỏ những "thế lực bất tuân" với ông Trump. Ảnh: Getty. |
Tổng thống Trump bị ám ảnh bởi những vụ rò rỉ thông tin và không tin tưởng các quan chức chính phủ kỳ cựu từng phục vụ nhiều đời tổng thống.
Ông Trump thậm chí từng phàn nàn rằng ông cảm thấy việc đối mặt với một số cấp dưới còn khó hơn giải quyết các vấn đề ngoại giao, theo Washington Post.
Văn phòng của McEntee lập tức xây dựng một bộ khảo sát để lọc ra những cái tên có dấu hiệu “bất tuân”, bao gồm những câu hỏi như “Ai trong nhóm của bạn làm tốt công việc?”, “Ai làm không tốt?”, hay “Ai không hướng tới việc hoàn thành mục tiêu của tổng thống?”.
“Đó thực sự là một bài kiểm tra và phỏng vấn nặng nề”, một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết.
Mối nguy tiềm tàng cho chính quyền sắp tới của ông Biden
Kể từ sau ngày bầu cử 3/11, chiến dịch loại bỏ nhân sự của McEntee tăng tốc hơn bao giờ hết.
Động thái này được cho là phục vụ mục đích của chính quyền ông Trump trong giai đoạn thoái trào nhằm ban hành nhiều quyết sách và tạo ra nhiều ảnh hưởng nhất có thể.
Ví dụ, hôm 13/11, Nhà Trắng đột ngột sa thải nhà khí tượng Michael Kuperberg, người có lập trường chống biến đổi khí hậu. Dự kiến người thay thế là David Legates, nhà khoa học từng tuyên bố lượng CO2 dư thừa trong khí quyển là tốt cho thực vật và hiện tượng nóng lên toàn cầu là vô hại.
Nhà khí tượng David Legates. Ảnh: Đại học Delaware. |
McEntee và các cộng sự cũng quyết tâm loại bỏ toàn bộ nhân viên không trung thành với đường lối của Tổng thống Trump tại Bộ An ninh Nội địa.
Bên cạnh các cơ quan an ninh hàng đầu, bao gồm Lầu Năm Góc, USAID cũng là nạn nhân của chiến dịch thanh trừng nói trên.
Bonnie Glick, người đứng đầu cơ quan này, đã bị cách chức sau khi chuẩn bị tài liệu dài 440 trang cho quá trình chuyển giao quyền lực với chính quyền tổng thống đắc cử Biden.
Người đứng đầu USAID, bà Bonnie Glick. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, McEntee không chỉ đơn thuần sa thải nhân viên chính phủ. Giám đốc nhân sự của Nhà Trắng đã bổ nhiệm cựu đặc vụ Michael Ellis thuộc đảng Cộng hòa làm cố vấn của Cơ quan An ninh Quốc gia, khiến ông trở thành một thành viên dân sự của cơ quan hành pháp cấp cao, do đó chính quyền Biden sẽ gặp khó trong việc loại bỏ Ellis trong tương lai. Một số quan chức cho biết McEntee cũng muốn giúp các đồng minh trong chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Trump đảm bảo việc làm trong Nhà Trắng.
Giới quan sát nhận định rằng những xáo trộn trong bộ máy chính quyền liên bang vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ của ông Trump sẽ khiến nhóm của ông Biden gặp nhiều khó khăn khi tiếp quản vào tháng 1/2021.
Tổng thống Trump có thể sẽ rời Nhà Trắng trong vài tháng tới, nhưng sức ảnh hưởng và những hỗn loạn từ “triều đại” của ông thì không.