Tín hiệu đầu tiên của cơn khủng hoảng Covid-19 ở Nhà Trắng xuất hiện trên chính chuyên cơ của Tổng thống Trump. Chiếc Air Force One ngày 30/9 đưa nhà lãnh đạo 74 tuổi đến buổi vận động tranh cử tại Minnesota, nơi ông hứa hẹn với cử tri về việc mở cửa nước Mỹ trở lại và bác bỏ tình hình nghiêm trọng của đại dịch.
Chiều tối đó, Hope Hicks, cựu người mẫu cho công ty của Ivanka và làm trợ lý truyền thông cho ông Trump từ năm 2014, xuất hiện triệu chứng bệnh. Cô không xuống đường băng xem buổi phát biểu của tổng thống, sau đó phải cách ly trên máy bay khi trở về Washington D.C. Đội ngũ tháp tùng ông Trump bắt đầu lo ra mặt.
Sáng 1/10, cô Hicks nhận kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Chưa đầy 24 tiếng sau, Tổng thống Trump xác nhận ông và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump đã nhiễm virus corona. Nhà Trắng báo động.
Nhà Trắng trong thế lưỡng nan
Trong khi chiến dịch của ông Trump cùng Nhà Trắng lên kế hoạch mới cho tháng 10 vì nhà lãnh đạo phải nhập viện, các trợ lý và đội ngũ y tế của ông cũng bắt tay vào chương trình truy vết lây nhiễm quan trọng nhất kể từ khi dịch bùng phát tại Mỹ.
Mọi hoạt động đi lại và tiếp xúc của nhà lãnh đạo cần được phân tích. Ông có thể đã tiếp xúc hàng chục trợ lý và hàng trăm người ủng hộ trong một loạt sự kiện đông thành viên tham dự: từ buổi công bố đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao ngày 26/9 đến cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên ở Ohio vào ngày 29/9. Đặc biệt, nhà lãnh đạo còn dự buổi vận động tài trợ chiến dịch vào ngày 1/10 ở New Jersey - chỉ vài tiếng sau khi cô Hope Hicks xác nhận dương tính với virus corona.
Đến đêm 2/10, đội ngũ Nhà Trắng vẫn chưa thể xác định được cô Hicks, Tổng thống Trump hay ai khác là nguồn lây nhiễm virus tại Nhà Trắng.
Kết quả truy vết lây nhiễm có thể tác động rất lớn đến những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Điều tra dịch tễ học chi tiết có khả năng hé lộ thêm nhiều ca nhiễm virus corona trong nhóm thân cận của ông Trump, khiến nhiều nhân sự chiến dịch phải cách ly giữa giai đoạn quyết liệt nhất trên đường đua vào Nhà Trắng.
Nhà Trắng đối diện khủng hoảng khi còn 32 ngày là đến cuộc bỏ phiếu toàn quốc. Ảnh: Getty. |
Tính đến đêm 2/10, ít nhất 7 trường hợp nhiễm virus corona liên quan đến Nhà Trắng là nhân vật nổi bật của đảng Cộng hòa, gồm: Tổng thống Donald Trump, Đệ nhất Phu nhân Melania Trump, Hope Hicks, hai Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa là Thom Tillis và Mike Lee (đều nằm trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện), Chủ tịch Đại học Notre Dame John Jenkins và Kellyanne Conway, cựu cố vấn Nhà Trắng. Những người này đều liên quan đến sự kiện ngày 26/9 tại Vườn Hồng.
Điều tra dịch tễ có thể dẫn đến hệ quả chính trị lớn, nhưng quyết định không hành động còn có nguy cơ chuốc lấy hậu quả còn nghiêm trọng hơn.
Theo Politico, nếu không truy vết tiếp xúc thành công đối với ông Trump và những nhân vật thân cận, Nhà Trắng sẽ đối diện với tin xấu về Covid-19 kéo dài trong nhiều tuần, hết ca nhiễm này đến ca nhiễm khác. Kịch bản đó ảnh hưởng trực tiếp đến thể diện chính phủ của ông Trump. Cũng chính việc thiếu đầu tư và không khuyến khích truy vết dịch tễ học trên toàn quốc đã khiến hệ thống liên bang bị chỉ trích thời gian qua.
"Mọi người đều chịu nguy hiểm. Họ đã khiến sinh mạng của người khác bị đe dọa. Họ chỉ tìm cách đưa ra thông điệp riêng mình muốn. Một vài người đã sợ hãi. Một vài người nổi giận vì họ bị đặt vào tình thế hiện nay", một nhân viên giấu tên trong Nhà Trắng tiết lộ.
Nội bộ bức xúc
Ngày 2/10, sau khi cả thế giới biết tin tổng thống Mỹ mắc Covid-19, những nhân vật hàng đầu Nhà Trắng vẫn cố gắng duy trì hình ảnh tình hình không có gì nghiêm trọng. Chánh văn phòng Mark Meadows xuất hiện tại buổi họp báo như bình thường, ông không đeo khẩu trang.
"Vì sao ông Meadows lại không đeo khẩu trang khi họp báo vậy", một nhân sự Nhà Trắng giấu tên bày tỏ bức xúc.
Có lẽ đó là hình ảnh ông muốn báo giới nhìn thấy, còn thực tế là phần lớn nhân sự Nhà Trắng đã được lệnh làm việc ở nhà. Một số trợ lý Nhà Trắng đã bắt đầu tự truy vết tiếp xúc của bản thân trong các sự kiện thời gian qua, theo Politico.
Sự kiện tại Vườn Hồng ngày 26/9 đang là tâm điểm nghi ngờ lây lan virus corona ở Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Các nhân sự Nhà Trắng bày tỏ lo ngại khi nhớ rằng có không ít khách mời hôm 26/9 đi lại và tiếp xúc rất nhiều người cả trong nhà và ngoài sân Nhà Trắng. Điều này diễn ra trước lẫn sau buổi công bố đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao. Thượng nghị sĩ Mike Lee, người vừa xác nhận dương tính Covid-19 ngày 2/10, cũng nằm trong số đó. Những hình ảnh sự kiện cho thấy ông Mike Lee đã chào hỏi khắp sân và ôm một số người để chúc mừng đề cử của bà Barrett.
Hiệu trưởng Đại học Notre Dame, John Jenkins, cũng phát hiện nhiễm virus corona ngày 2/10. Ông nói đã xét nghiệm âm tính trước sự kiện cuối tuần qua, đồng thời cam đoan rằng bác sĩ cho phép ông không đeo khẩu trang. Không ít quan chức và khách mời có mặt tại buổi công bố đề cử ngày 26/9 đã được xét nghiệm và có kết quả âm tính với virus corona.
Một số nhân viên Nhà Trắng tiết lộ họ cảm thấy áp lực về chuyện đeo khẩu trang bên trong tòa nhà.
"Một số người vẫn đeo vì họ cảm thấy điều này rất quan trọng. Tôi nghĩ cũng có một số người quá xấu hổ nên không đeo, vì có một số người nghĩ rằng khẩu trang là ngu ngốc và họ rất to tiếng", một nhân viên Nhà Trắng chia sẻ đầy ẩn ý.
Theo một nhân vật thân cận với Nhà Trắng, có một bộ phận nhân viên tòa nhà muốn "noi gương" ông Trump và tin vào thái độ hoài nghi của ông đối với khẩu trang.
"Tình trạng này không thể hiện sự yếu đuối, mà phần lớn là sức ảnh hưởng từ cách hành xử của tổng thống. Cách hành xử của ông ấy tác động rất lớn đến nhân viên", người này tiết lộ.