Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhân sự ngành du lịch đi buôn đất, bán cá

Du lịch “đóng băng” hơn 2 năm nay, hàng loạt nhân sự bỏ nghề chuyển sang lĩnh vực khác khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu khi ngày mở cửa du lịch cận kề.

thieu nhan su mua dich anh 1

Bỏ nghề lễ tân khách sạn hơn một năm, anh Tâm - ngụ TP Nha Trang - đang là nhân viên sale của một công ty bất động sản. Tâm cho biết khá tiếc nuối khi không được làm nghề mình đào tạo, nhưng không còn cách nào khác.

“Mình được đào tạo bài bản, cũng theo nghề lễ tân khách sạn hơn 5 năm. Khi dịch bùng phát, chủ khách sạn cắt giảm 70% nhân sự, mình nằm trong diện được giữ lại, nhưng phải giảm lương 50%. Bám trụ lại được gần một năm buộc phải bỏ vì thu nhập không đủ trang trải chi phí cá nhân, chứ đừng nói dành dụm”, anh Tâm nói.

Vất vả mưu sinh thời dịch

Từ một nhân viên thu nhập gần 10 triệu đồng một tháng, anh Tâm sống chật vật khi lương giảm xuống còn 4,5 triệu.

“Một người anh bỏ du lịch làm ngành bất động sản giới thiệu khóa đào tạo làm sale bất động sản, học xong mình đi buôn đất một năm nay. Nghề này vất vả, nhưng bù lại thu nhập cũng không tệ”, anh Tâm cho biết.

Tương tự, chị Đào Hà Thanh - ngụ thị xã Ninh Hòa - cũng buộc phải nghỉ nhân viên buồng phòng của một khu resort 5 sao khi dịch Covid-19 bùng phát.

“Dịch ập đến, mảng buồng phòng bị chủ resort cắt giảm nhân sự đầu tiên khi không có khách. Từ khi nghỉ, tôi thử xin việc nhiều nơi nhưng không chỗ nào nhận do đã lớn tuổi. Hai năm qua tôi làm đủ thứ nghề để mưu sinh nhưng thu nhập không đủ đóng tiền học cho 2 con, đành về theo mẹ đi bán hải sản ngoài chợ”, chị Thanh buồn bã nói.

thieu nhan su mua dich anh 2

Lao động trong ngành du lịch vất vả mưu sinh khi dịch Covid-19 ập đến. Ảnh: An Bình.

Với những người trẻ tuổi, họ còn cơ hội xin việc hoặc bắt đầu một công việc khác dễ dàng, nhưng với chị Thanh gần như không có lựa chọn khả dĩ khi đã ngoài 40 tuổi. “Tôi rất yêu nghề nhưng không còn cách nào khác. Giờ có đơn vị nào nhận đi làm, sẽ nghỉ chợ ngay”, chị Thanh mong muốn.

Tôi rất yêu nghề nhưng không còn cách nào khác. Giờ có đơn vị nào nhận đi làm sẽ nghỉ chợ ngay.

Chị Đào Hà Thanh

Trường hợp phải bỏ nghề, kiếm việc mưu sinh khác như anh Tâm, chị Thanh không hiếm trong bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.

“Mình có công ty chuyên về tour 4 đảo thì đã rút vốn vì thu vào không đủ chi phí do vắng khách. Còn một công ty chuyên về tour, tuyến thì giảm tối đa nhân sự và chủ yếu làm online, nhân viên cũng chỉ hưởng 50% lương để duy trì công ty”, ông Tài - Giám đốc Công ty Friendly Nha Trang - nói.

Ông Phạm Minh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, Tổng giám đốc Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang, cho biết hiện nhiều khách sạn, resort tại Khánh Hòa khó khăn khi tuyển dụng nhân sự để chuẩn bị mở rộng hoạt động khi du lịch mở cửa hoàn toàn.

“Trước dịch, Hòn Tằm có hơn 600 nhân sự hoạt động để phục vụ du khách. Đầu năm 2022, doanh nghiệp tích cực tuyển dụng nhưng đến nay chỉ tuyển được khoảng 200 nhân sự hoạt động thường xuyên”, ông Nhựt cho hay

Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, trong giai đoạn khó khăn nhất, 80% lao động trực tiếp ngành du lịch (tương đương 40.000 lao động) của địa phương này phải nghỉ việc, chuyển việc. Phần lớn nhân sự bị ảnh hưởng nhiều nhất nằm ở phân khúc lưu trú, hướng dẫn viên và công ty lữ hành.

Vẫn ngóng du lịch phục hồi

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, nguyên nhân chính dẫn đến việc khó tìm nhân lực trong giai đoạn này là bởi nhiều nhân sự hoạt động trong lãnh vực du lịch đã chuyển đổi nghề nghiệp khi ngành này đóng cửa gần 2 năm qua. Ngoài ra, số nhân sự bỏ việc đã có công việc ổn định hoặc chưa muốn quay trở lại vì ngành du lịch chưa phục hồi, nguồn khách còn ít.

Cũng theo ông Nhựt, để thích nghi trong tình hình mới, ngoài việc tuyển dụng nhân sự cố định - hợp đồng dài hạn - công ty còn tuyển thêm các nhân sự thời vụ để giải quyết tình hình trước mắt. Tuy nhiên, số nhân sự này chưa được đào tạo lành nghề, chất lượng không đồng đều.

Còn ông Võ Quang Hoàng - Chủ tịch Hội Khách sạn Khánh Hòa, Giám đốc khách sạn Ariyana Nha Trang - cho biết việc nhân sự lành nghề chưa muốn trở lại làm việc ngoài lý do có việc khác thì thu nhập cũng là một yếu tố.

“Nhiều nhân sự đã thay đổi ngành nghề và trong thời điểm này có thể ổn định hơn ngành du lịch. Một số người dù rất yêu nghề du lịch, nhưng vẫn cân nhắc việc quay lại do thu nhập không còn được như trước dịch. Hiện, ngành du lịch đã mở cửa nhưng để thị trường đạt mức 50-70% như trước đây thì cần một thời gian nữa”, ông Hoàng phân tích.

Một số người dù rất yêu nghề du lịch, nhưng vẫn cân nhắc việc quay lại do thu nhập không còn được như trước dịch.

Ông Võ Quang Hoàng - Chủ tịch Hội Khách sạn Khánh Hòa

Chủ tịch Hội Khách sạn Khánh Hòa cho rằng đa phần nhân sự khi được hỏi đều mong muốn ngành du lịch thật sự phục hồi, khách đến đông họ sẵn sàng quay lại.

“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn kế hoạch tuyển nhân sự, tiếp nhận hồ sơ và liên kết với các trường, khoa du lịch, nhân viên cũ để khi thị trường ổn định có ngay lực lượng để hoạt động”, ông Hoàng nói.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho biết Khánh Hòa là một trong những địa phương có tốc độ phục hồi du lịch tốt sau dịch so với các địa phương, như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Phú Quốc (Kiên Giang), Phan Thiết (Bình Thuận)...

Bằng chứng cho thấy, từ khi thực hiện thí điểm đón khách có “hộ chiếu vaccine” - từ giữa tháng 11/2021 - tỉnh Khánh Hòa đã đón khoảng 5.000 khách Nga, chiếm 80% lượng khách quốc tế đến địa phương này.

thieu nhan su mua dich anh 3

Nhiều doanh nghiệp vẫn chờ ngành du lịch phục hồi để tái sản xuất sau đại dịch. Ảnh: An Bình.

Về vấn đề nhân lực ngành du lịch hậu dịch, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho rằng không quá lo ngại.

Theo bà Thanh, Khánh Hòa hiện có 2 đơn vị chuyên đào tạo nhân sự cho ngành du lịch, dịch vụ là trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và trường Đại học Khánh Hòa - tiền thân là trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Du lịch Nha Trang đủ cung cấp nhân sự cho ngành.

“Lượng nhân sự bỏ nghề, chuyển nghề do dịch là có, nhưng những đối tượng này sẽ sẵn sàng quay lại khi ngành du lịch phục hồi, cộng thêm các lớp đào tạo mới sẽ bổ sung kịp thời cho giai đoạn sắp tới”, bà Thanh nói.

Cũng theo bà Thanh, sắp tới bên cạnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, định hướng trong việc xây dựng sản phẩm đặc thù của du lịch Khánh Hòa, đơn vị sở sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, nhằm xây dựng đội ngũ lao động chất lượng, chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển mới của ngành.

“Hiện, Sở Du lịch đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ sở đào tạo để mở các lớp đào tạo về ngoại ngữ, nghiệp vụ quản lý khách sạn chất lượng cao, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch”, bà Thanh nói thêm.

Lo ngại khách Nga hủy tour đến Việt Nam

Đồng rúp mất giá, khách hủy tour đã ảnh hưởng đến kế hoạch của các doanh nghiệp. Nhiều đơn vị lữ hành vẫn “ngóng” từng ngày quy định đón khách, dù thời điểm mở cửa du lịch cận kề.

Hàng nghìn tàu cá nằm bờ, doanh nghiệp lo thiếu nguyên liệu

Giá xăng dầu liên tục lập đỉnh khiến hàng nghìn tàu cá các tỉnh Nam Trung Bộ không dám ra khơi vì nắm chắc phần lỗ.

Doanh nghiệp vận tải lao đao vì giá xăng dầu lên cao

Nhiều chủ doanh nghiệp vận tải ở Khánh Hòa buộc phải cắt giảm nhân viên, chỉ làm 50% số ngày trong tuần vì giá xăng dầu tăng, lượng khách hàng sụt giảm.

Xuân Hoát

Bạn có thể quan tâm