Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhan nhản chào bán da, xương động vật quý hiếm

Đáp ứng thú sưu tầm đồ dùng bằng da, xương thú quý hiếm để khẳng định "đẳng cấp", các đường dây buôn bán da, xương, thậm chí cả râu hùm... xuất hiện nhan nhản.

Chiều 25/8, theo chỉ dẫn của một số người, chúng tôi gặp Lâm - người được cho là chuyên phân phối da hổ tại một một căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Vừa đưa ra nhiều tấm da thú màu sắc, chủng loại khác nhau, Lâm tự giới thiệu đó là da mèo rừng, da hổ với giá cả tương ứng.

“Bao” vé máy bay khi mua hàng

Theo lời Lâm, tấm da hổ cỡ bằng một bàn tay có giá 500.000 đồng. Ví làm từ da báo hoa mai giá 1,2 triệu đồng/cái, xương hàm dưới con hổ còn nguyên, có hai nanh dài giá 1 triệu  đồng/cái...

Một
Da hổ, xương hàm dưới hổ Lâm giới thiệu.

Lâm nói những mặt hàng này đang được rất nhiều người săn tìm "làm vật phòng thân". Khách mua hàng của Lâm ở nhiều tỉnh thành khác nhau nên ngoài giao hàng tận nơi cho những mối gần, Lâm cho biết có thể nhận chuyển khoản rồi gửi hàng qua bưu điện hoặc xe khách cho người đặt mua.

Đặc biệt, Lâm còn giới thiệu có khả năng cung ứng các hộp sọ cho khách chơi loại hàng độc chuyên để trưng bày này. Hộp sọ hổ giá 4,5 triệu đồng/cái, hộp sọ gấu 4 triệu đồng/cái...

Theo Lâm quảng cáo, nguồn hàng của Lâm nhập chủ yếu từ các tay buôn ở tỉnh Hà Tĩnh và từ Lào về. Lâm khẳng định: “Sọ hổ em bán được 4-5 cái. Còn tấm da hổ lớn này, khi có hàng em báo. Đảm bảo không phải hàng giả!”.

Trước đó, tiếp chúng tôi sáng 3/8 tại một quán cà phê trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP HCM), bà Vân (cũng là người chuyên buôn bán da thú quý hiếm, ngụ tỉnh Lâm Đồng) báo giá cho chúng tôi một bộ da hổ còn nguyên, dài hơn 2m với giá 180 triệu đồng.

Khi chúng tôi thắc mắc giá cao, bà Vân nói: “Do hàng tận tỉnh Nghệ An nên phí vận chuyển đến Sài Gòn phải mất 20 triệu đồng, giá không đắt đâu”. 

 Để khách tin tưởng, bà Vân đưa số điện thoại liên hệ đầu mối trực tiếp tên Minh tận ngoài Nghệ An. Qua điện thoại, Minh tỏ ra kín kẽ: “Trước giờ em không bán cho người Việt Nam, toàn bán qua Trung Quốc thôi. Nguồn hàng khá đa dạng từ da đến xương nhưng ngại mối mới”.

Sau một lúc ngã giá, Minh chốt tấm da hổ 150 triệu đồng và khuyến mãi: “Nếu có thời gian, anh bay ra một chuyến, tiền máy bay em lo cho!”.

Tiếp tục săn tìm người bán, sáng 31-7 chúng tôi hẹn gặp ông Hùng tại ngã tư Hòa Lân (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Đúng hẹn, ông Hùng cùng hai người đàn ông đi ba xe máy chở các hộp sọ thú quý hiếm còn gắn sừng như linh dương đầu bò, tuần lộc, hươu… Ông Hùng khẳng định còn một số món hàng hiếm không tiện mang theo để giới thiệu cho khách như hộp sọ hổ và da hổ.

“Đây là hàng hiếm, hàng cấm, phải biết nhà của khách mới dám mua bán, không dám giao công khai” - ông Hùng bảo. 

Săn hàng độc để cầu may

Lần thêm nhiều manh mối, chiều 31/7 hẹn nhau tại quán cà phê trên đường Thủ Khoa Huân (phường An Thạnh, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), một thanh niên tên Khánh lấy trong balô ra nhiều nanh heo rừng, móng gấu, móng hổ, hơn chục ví da hổ khác.

Một
Một "xương hàm hổ" (!?) đã gắn nhẫn bạc được ra giá 1,5 triệu đồng.

Theo Khánh, hiện trên thị trường hàng “độc” được dân chơi ưa chuộng. Da báo thì không có nhiều công dụng như da hổ. Người lớn chơi da hổ là canh phong thủy, còn trẻ nhỏ thì bỏ đầu giường tránh ốm đau. Em dùng mấy bóp da hổ này làm cái gì cũng hên hết, ngày nào cũng có tiền!”.

Qua nhiều mối liên hệ, chúng tôi gặp ông Dũng (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), một mối cung cấp ví thành phẩm từ da hổ, báo.

Ông Dũng cung ứng ví làm từ da báo giá 1,2 triệu đồng/cái, ví da hổ giá 2,4 triệu đồng/cái. Nếu mua phải ví có vết đạn bắn, hoặc hàng có số lượng từ năm cái trở lên thì ông Dũng sẽ giảm giá. “Da một con báo làm được 2-3 cái bóp, nếu làm năm cái bóp phải mất hai bộ da”, ông nói.

Theo ông Dũng, những bộ da hổ, da báo được nhập từ Lào, Campuchia. Sau đó cắt nhỏ, may gia công thành từng ví tiền. Nếu cần nguyên bộ da ông sẽ giới thiệu mối bán.

Ông Dũng giải thích: “Do hàng hơi nhạy cảm  nên tôi chỉ giới thiệu mối bán cho anh, nếu giao dịch tôi sẽ không có mặt. Người bán nắm bắt tâm lý người mua, nếu anh thích rồi nhiều khi giá trên trời”.

Không chỉ da, xương mà cả râu hổ cũng đang trở thành món hàng “độc”  được săn tìm. Ông Trần nhà ở cầu vượt Củ Chi (huyện Củ Chi, TP HCM), báo giá 7 sợi râu hổ 700.000 đồng.

Ông nói những sợi râu trên được chủ một trang trại nuôi hổ ở miền Trung nhổ trực tiếp, hàng tâm linh, để trong người sẽ gặp hên, để đầu giường con nhỏ sẽ không đau ốm vặt.

Thật giả lẫn lộn

Theo ông Phương (ngụ quận Tân Phú), một tay chơi có nhiều năm sưu tầm hàng động vật hoang dã thì những mặt hàng thật khá hiếm trong khi nhiều hàng giả được làm rất tinh vi.

Khánh giới thiệu ví làm bằng da hổ tại quán cà phê
Khánh giới thiệu ví làm bằng da hổ tại quán cà phê

“Vì giá trị của da hổ cao hơn da báo nên có khi họ dùng da báo thuộc da rồi dùng màu tô vẽ các vân khoang lên cho giống da hổ.

Còn mấy loại hàng trưng bày có khi là đồ bằng nhựa được đúc ép gia công. Họ làm giả tinh vi mà người mua không thể phân biệt bằng mắt thường được”, ông Phương nói.  

Có thể bị xử lý hình sự

Ông Nguyễn Xuân Lưu - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP HCM - cho biết các bộ phận trên cơ thể động vật hoang dã như lông, da… khi khai thác sử dụng mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, tùy theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính (theo nghị định 157/2013/NĐ-CP - xử phạt vi phạm hành chính về quản lý lâm sản) hoặc xử lý hình sự.

Sau khi tịch thu các bộ phận trên cơ thể động vật hoang dã, cơ quan chức năng phải đem đi giám định, nếu kết quả xác định là đúng thì lực lượng kiểm lâm sẽ tiến hành xử lý người buôn bán các mặt hàng này theo quy định của pháp luật về quản lý lâm sản.

Trường hợp kết quả giám định không đúng bộ phận trên cơ thể của động vật hoang dã như một số đường dây rao bán thì cũng có thể chuyển cơ quan điều tra xem xét xử hình sự người bán về hành vi lừa đảo.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/nhan-nhan-chao-ban-da-xuong-dong-vat-quy-hiem/958824.html

Theo Ngọc Khải - Sơn Bình/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm