Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhân lực ngành Than: Đãi ngộ tốt nhưng…

Hiện nay, thợ lò bỏ việc và kế hoạch tuyển sinh học nghề mỏ hầm lò không đạt kế hoạch đã trở nên đáng báo động về tình trạng thiếu nhân lực, mặc dù chế độ đãi ngộ không tồi.

Chiếc xe chạy trên con đường quanh co giữa núi rừng Bảo Đài (TP. Uông Bí, Quảng Ninh) đưa chúng tôi về mỏ than Nam Mẫu (thuộc Công ty Than Nam Mẫu, Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam - TKV). 

Chỉ vào rừng keo xanh ngắt dọc hai bên đường, Trưởng phòng An toàn công ty Than Nam Mẫu Nguyễn Văn Năng giới thiệu: Keo ở đây đều được trồng theo chương trình phủ xanh và trồng rừng trên các bãi thải mỏ, vừa để phục hồi môi trường, vừa tạo nguồn cung gỗ trụ mỏ, tăng độ che phủ của cây xanh trên địa bàn, góp phần cải tạo môi trường. Rồi chỉ vào chiếc xe buýt 54 chỗ chạy phía trước, anh Năng “quảng cáo”: Kia là xe chất lượng cao đưa đón công nhân của công ty. “Xe máy lạnh, xe không mát là anh em không chịu lên”, anh Năng dí dỏm.

Thợ lò Nam Mẫu.

Thợ lò Nam Mẫu.

Tiếp tục cuộc hành trình, nơi chúng tôi đến đầu tiên là khu tắm giặt sấy của thợ mỏ. Anh Nguyễn Văn Trình (người Uông Bí), đã 15 năm làm thợ lò, nói trước đây, mỗi khi hết ca là thợ lò tự về nhà, quần áo mặt mũi lem luốc toàn bụi than. Còn hiện nay, không những được tắm giặt luôn tại mỏ, quần áo của thợ lò cũng được công ty cho người giặt cẩn thận, xếp sẵn vào tủ cá nhân cùng các đồ vật khác như ủng, mũ bảo hộ, đèn chiếu sáng. Mỗi ngày đến mỏ để bắt đầu công việc mới, mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng, có thể bắt đầu ngay công việc.

Tại khu nhà ăn tập thể, anh Lê Văn Cương (quê Đông Triều, Quảng Ninh), hồ hởi nói: Sau mỗi ca làm việc vất vả, mong ước của thợ lò chỉ giản đơn là được “chén” một bữa thịnh soạn. Các món ăn tại đây rất phong phú, đủ cả thịt, cá, tôm... lại rất “vừa miệng” và được tự chọn, mùa hè mát lạnh do có điều hòa. Còn đến giờ nghỉ (trên khai trường), sẽ có người mang bánh mỳ đến tận nơi, kèm theo là những hộp sữa tươi, thức uống có tác dụng khử độc rất tốt.

Rời Nam Mẫu, chúng tôi đến mỏ Vàng Danh (Uông Bí, thuộc công ty cổ phần Than Vàng Danh), nơi có gần 2.500 thợ lò đang làm việc. Phó giám đốc Trịnh Văn An cho biết Vàng Danh đã xây dựng được một chế độ đãi ngộ rất ổn định và luôn có nhiều giải pháp nâng cao đãi ngộ nhằm tạo sức thu hút với nghề thợ lò. 

Riêng trong năm 2013, công ty đài thọ 100% kinh phí cho 250 học sinh học nghề mỏ; công khai các cơ chế khuyến khích tiền lương; tạo thêm việc làm cho vợ con công nhân, khám định kỳ cho cán bộ công nhân viên toàn công ty 2 lần/năm… Công ty còn tổ chức nhiều chương trình thiết thực khác, như thành lập “Câu lạc bộ thu nhập cao”, gồm những công nhân có thành tích lao động xuất sắc, được hưởng mức lương cao hằng tháng, để khen thưởng và tổ chức đi chơi, tham quan trong và ngoài nước. Với Vàng Danh, thợ lò là tài sản quý giá nhất, luôn được ưu tiên số một…

Quay lại thị trấn Đông Triều, cách Uông Bí gần 30 km, chúng tôi đến mỏ Mạo Khê (công ty Than Mạo Khê -TKV).

Thợ mỏ Vàng Danh.

Thợ mỏ Vàng Danh.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu nhà tập thể Vinh Xuân, Phó chánh văn phòng công ty Nhữ Xuân Hinh giới thiệu: Hai khối nhà tập thể 5 tầng đã được công ty đưa vào sử dụng từ năm 2013, đáp ứng chỗ ở cho hàng trăm công nhân. Khu nhà thứ 3 cùng nhà ăn cũng đang được gấp rút hoàn thiện, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay, sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu ăn, ở cho công nhân độc thân (chưa có hoặc xa gia đình) toàn công ty. Công nhân có gia đình cũng sẽ được thuê nhà sau khi khu Quang Trung (khu tập thể cũ) được tu sửa hoàn tất.

Vào thăm phòng ở, chúng tôi gặp thợ lò trẻ Vũ Viết Quyền. Là người Hà Nội, được Vinacomin cử đi học nước ngoài và khi vừa về nước, anh xin về Mạo Khê. Quyền tâm sự: Khi quyết định xuống đây, tôi đã xác định phải chịu khó, chịu khổ. Nhưng điều tôi không ngờ là điều kiện sinh hoạt cho công nhân lại được thoải mái như vậy. Cả căn phòng tập thể rộng gần 50 m2, đầy đủ giường, tủ, bàn ghế và công trình phụ chỉ có 2 người ở, trong khi tiền thuê nhà chỉ có 150.000 đồng/tháng đã bao gồm điện, nước.

Phó giám đốc công ty Than Mạo Khê Vũ Anh Tuấn cho biết, ngoài việc ăn, ở, công ty cũng rất chú trọng chăm lo đời sống tinh thần của anh em… Công ty có đầy đủ từ bể bơi đến sân bóng, nhà thi đấu bóng chuyền sử dụng miễn phí cho tất cả cán bộ công nhân viên. Ngoài ra, các hoạt động văn nghệ cũng được tổ chức thường xuyên...

... Thế nhưng điều đáng lo là trong khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng thợ lò bỏ việc có xu hướng tăng dần. Năm 2010, ngành Than cứ tuyển được 10 thợ lò thì 6 thợ bỏ việc. Con số này của năm 2011 là 7/10; năm 2012 là 8,5/10. Đến năm 2013 số giảm đã gần bằng số tuyển dụng của cả năm. Đặc biệt, tỷ lệ giảm thợ lò trẻ có độ tuổi dưới 25 là cao nhất, chiếm khoảng 45% số thợ lò giảm, trong khi đó tỷ lệ này đối với thợ lò có độ tuổi trên 35 là 8,3 - 13,8%.

Tỷ lệ giảm thợ lò có tuổi nghề dưới 5 năm cũng chiếm khoảng 65% tổng số thợ lò giảm, trong khi với thợ lò có tuổi nghề trên 10 năm chỉ xấp xỉ 15%. Thợ lò chưa có gia đình riêng cũng có tỷ lệ giảm cao hơn so với thợ lò đã có gia đình (chiếm từ khoảng 60% tổng số giảm). Phải khẳng định tình trạng thợ lò bỏ việc và không đạt kế hoạch tuyển sinh học nghề mỏ hầm lò hằng năm đã trở thành hiện tượng báo động, có thể nói là nguy cơ của ngành Than.

Chế độ đãi ngộ tốt như vậy, lương bổng cũng không thấp (mức lương trung bình của thợ lò năm 2013 khoảng từ 8 đến 13 triệu đồng/tháng), tại sao số thợ lò bỏ việc vẫn tăng dần qua từng năm? Phải chăng do điều kiện làm việc quá khắc nghiệt hay tại đãi ngộ chưa đủ... Tìm hiểu vấn đề hóc búa này, chúng tôi đã đi thực tế: Xin được xuống đường lò…

10 công việc dễ bị hiểu lầm nhất

Theo khảo sát quy mô toàn cầu của LinkedIn với sự tham gia của 16.000 người, cứ 3 cặp cha mẹ thì có một cặp không hiểu việc của con. Dưới đây là 10 việc dễ bị hiểu nhầm nhất.

http://baodientu.chinhphu.vn/doi-song/nhan-luc-nganh-than-dai-ngo-tot-nhung/212874.vgp

Theo Yến Linh/ Báo điện tử Chính phủ

Bạn có thể quan tâm