Bộ Công Thương mới đây có báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển logistics Việt Nam.
Báo cáo dẫn số liệu từ Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết dịch vụ logistics của Việt Nam trong thời gian qua có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt 12-14% và đóng góp khoảng 4-5% GDP. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60-70%.
Đóng góp của ngành logistics vào GDP chiếm 4-5%. Ảnh minh họa. |
Việt Nam hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, khoảng 70% trong số này tập trung ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Các doanh nghiệp logistics chủ yếu ở quy mô nhỏ, tới 90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng, chỉ 1% có mức vốn trên 100 tỷ đồng.
Có gần 400 doanh nghiệp tham gia Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhưng chiếm trên 60% thị phần cả nước. Thống kê của VLA chỉ ra doanh nghiệp lớn có xu hướng chú trọng tới liên kết mạng lưới hơn các doanh nghiệp nhỏ.
Hiện tại, khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia. Một số doanh nghiệp khác cũng bước đầu tìm cách đầu tư ra nước ngoài thông qua việc mở văn phòng đại diện ở các nước Lào, Campuchia, Myanmar và Ấn Độ.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá nhân lực ngành logistics vẫn đang là khâu thiếu và yếu, nhất là về ngoại ngữ và năng lực quản lý. Dự báo, giai đoạn 2015-2030, cả nước cần tới 200.000 nhân sự cho ngành này.
Nêu ý kiến về báo cáo của Bộ Công Thương, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết đây là những dữ liệu quan trọng để phát triển ngành này, góp phần thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại ở trong nước cũng như xuất khẩu hàng hóa.
Đề cập tới chi phí logistics của doanh nghiệp chiếm tới 20% GDP nhưng đóng góp của ngành logistics vào GDP chỉ chiếm 4-5%, Phó thủ tướng cho rằng phải tăng cường đóng góp của ngành này và giảm chi phí logistics của doanh nghiệp trong GDP.
Hiện nay, ở Việt Nam chưa có từ nào có thể diễn giải đủ nghĩa của từ logistics. Có thể hiểu logistics là “vòng tròn” các hoạt động lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.