Những giống chuối trên khắp hành tinh đang đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ do một loài nấm. Nó đã tàn phá các đồn điền chuối ở Đông Nam Á trong suốt 30 năm qua. Chúng cuối cùng đã thực hiện điều các nhà khoa học lo sợ từ lâu là tìm đường đến Mỹ Latin - trung tâm của thị trường xuất khẩu chuối toàn cầu.
Ngày 8/8, Viện Nông nghiệp Colombia thông báo họ đã tìm thấy loại nấm thuộc chủng Fusarium Oxysporum có tên Race Race 4 (TR4) tại các đồn điền ở miền Bắc nước này. Colombia sau đó nhanh chóng ban bố tình trạng khẩn cấp cấp quốc gia, thực hiện thiêu hủy và kiểm dịch ở nhiều đồn điền để ngăn chặn sự lây lan của TR4.
Kẻ thù của các chủng chuối
Trước đây, các quốc gia Mỹ Latin đã đối mặt với vấn đề tương tự. Vào những năm 1950, giống chuối được xuất khẩu phổ biến nhất lúc bấy giờ là Gros Michel gần như đã bị một chủng nấm Fusarium khác xóa sổ hoàn toàn.
Loài chuối Cavendish sau đó đã thay thế cho Gros Michel, do chúng có khả năng chống lại chủng nấm Fusarium đầu tiên. Cavendish chiếm 99% lượng chuối xuất khẩu toàn thế giới và phần lớn số chuối này được trồng ở Nam Mỹ.
"Một kịch bản dường như tận thế đã được vẽ ra, nơi chúng ta có thể sẽ vĩnh viễn mất đi loài chuối Cavendish" - bà Sarah Gurr, Chủ tịch phụ trách an ninh lương thực của Đại học Exeter, cho biết.
Được tìm thấy lần đầu ở Đài Loan vào năm 1989, TR4 đã có mặt ở khắp Đông Nam Á rồi sau đó lan đến Lebanon, Israel, Ấn Độ và Australia. Ông Dan Bebber, giảng viên sinh học tại Đại học Exeter, cho biết: "Khi loài nấm này đã thâm nhập vào trong nước, rất khó thoát khỏi chúng".
Loại trái cây giá rẻ này liên tục đối mặt với những đợi "diệt chủng" do quy trình canh tác độc canh. Ảnh: Getty. |
TR4 sống trong đất và có thể lây lan từ trang trại này đến trang trại khác thông qua vết đất trên các cây chuối giống, lốp xe, ủng... Chúng có thể sống trong đất nhiều năm, trước khi kí sinh vào rễ các cây chuối. TR4 kí sinh vào những mô dẫn để tranh giành nước và chất dinh dưỡng, khiến các cây chuối bị chết.
Các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của loài nấm này bao gồm việc kiểm soát, vệ sinh các lốp xe hay ủng của công nhân và du khách. Tuy nhiên, chưa có bất kì quốc gia nào thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của loài nấm này.
Năm 1997, TR4 được phát hiện tại phía bắc Australia, nhưng những nỗ lực kiểm dịch mạnh mẽ không thể ngăn chặn việc mầm bệnh lây lan sang phía bắc Queensland vào năm 2015.
Lợi nhuận từ chuối "mỏng như dao cạo", canh tác đầy rủi ro
Ngành nông nghiệp chuối được xem là có lợi nhuận tương đối thấp. Do đó kinh phí tài trợ cho các nghiên cứu tạo ra những giống chuối mới có khả năng kháng bệnh cũng không cao. Trong suốt thập kỉ, giá chuối không có nhiều biến động trong khi những loại trái cây khác như táo lại tăng giá hơn 40%.
Loại quả giá rẻ này được tiêu thụ lượng lớn mỗi năm trên toàn thế giới, thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp độc canh chỉ một số giống chuối. Việc chuyên môn hóa này giúp tạo ra số lượng lớn chuối đảm bảo quy chuẩn, cắt giảm đi nhiều chi phí.
Những trang trại độc canh chuối quy mô lớn tại Nam Mỹ. Ảnh: Independent. |
Nhưng việc chỉ trồng một số giống chuối nhất định chứa đựng những nguy cơ lớn. "Những trang trại độc canh là thiên đường của mầm bệnh", bà Gurr cho biết. Mọi thứ sẽ chỉ ổn cho đến khi xuất hiện mầm bệnh mới, sau đó là những cuộc diệt chủng như giống chuối Gros Michael đã phải đối mặt.
Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng cho những tín đồ của chuối. Các nhà nghiên cứu đang tích cực thực hiện việc chỉnh sửa gen để tạo ra loài chuối Cavendish có khả năng kháng TR4.
Năm 2018, Nhà sinh vật học James Dale đã chứng minh rằng có thể sửa đổi bộ gen của Cavendish bằng Crispr (một họ ADN được tìm thấy trong những vi sinh vật cổ). Ở Norwich, một công ty có tên là Tropic Bioscatics cũng đang thử nghiệm sử dụng Crispr để chế tạo chuối kháng nấm.
Bên cạnh đó, có thể lai tạo các giống chuối khác với hy vọng tạo ra giống mới có khả năng kháng TR4 và đủ ngon để bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, tất cả nỗ lực này vẫn chưa cho thấy kết quả khả quan.
Tháng 7/2018, Tòa án Công lý châu Âu đã xóa bỏ tương lai của những loài chuối chỉnh sửa gen sau khi ra quyết định cấm tung ra thị trường các loại cây trồng được chỉnh sửa bằng Crispr.
Giống chuối Cavendish đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nấm TR4. Ảnh: Getty. |
Cho đến khi giải pháp mới xuất hiện, đối mặt với khủng hoảng TR4 là lựa chọn duy nhất mà các quốc gia Mỹ Latin có. Nhưng ông Bebber cũng lưu ý rằng TR4 không phải thách thức duy nhất đối với ngành chuối.
Một loại bệnh nấm lá khác có tên Black Sigatoka cũng đang lan tràn ở châu Mỹ Latin. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu có nguy cơ gây khô hạn, khiến cây trồng khó phát triển
Đối với ngành nông nghiệp có lợi nhuận "mỏng như dao cạo" này, chỉ cần thêm bất kì thách thức nào cũng khiến nó đối mặt với nguy cơ khủng hoảng. Theo ông Bebber, nên xem xét lại hệ thống này thay vì liên tục tìm kiếm những giống chuối mới sau mỗi lần bị càn quét.
"Rất nhiều người cho rằng chúng ta nên xem xét lại hệ thống độc canh quy mô lớn này. Với hệ thống sản xuất kiểu này, chẳng khác nào chúng ta đang mời gọi những rắc rối", ông Bebber nói.