Trà My luôn giữ tinh thần lạc quan. |
Định mệnh của cô gái khuyết tật
Trà My là cô gái ở Đông Hà (Quảng Trị), vốn sinh ra lành lặn nhưng được ba tháng tuổi bị u máu ở chân. Sau trận ốm phải điều trị nhiều tháng trời, đôi chân My không thể đi lại được nữa, hai tay cũng bị co rút, thần kinh suy yếu và việc nói trở nên khó khăn. Lớn lên, My phải bám vào chiếc nạng bốn chân để di chuyển.
Dù không được đến trường, chỉ nhờ người thân dạy và tự học, năm 16 tuổi My đã thử sức với văn chương bằng tập truyện ngắn đầu tay Giấc mơ trên đôi chân thiên thần. Dường như đó không chỉ là động lực, mà còn là định mệnh khiến cô quyết tâm “đi và đi”.
My đã dám xa vòng tay bố mẹ, vào TP.HCM thuê phòng trọ ở quận Tân Bình, tự viết báo để trang trải cuộc sống, xin học truyền thông rồi viết sách và làm thiện nguyện. Cô chỉ còn một ngón tay “dùng được” cho việc nhấn phím máy tính, viết sách với tâm niệm muốn cuộc sống của mình có ý nghĩa, muốn nhân lên những điều tử tế trong xã hội.
Chuyến phiêu lưu của những điều tử tế dày hơn 200 trang, được My viết trong gần ba năm, chia làm ba phần: Phần một là tạp văn, ghi chép về hơn 30 chuyến trải nghiệm thực tế của cô gái “6 chân”, có đam mê viết lách, can đảm xách “siêu xe” lên và đi “phiêu bạt giang hồ”, giữa sự hoài nghi và cả những rào cản đối với những người không may có những hạn chế về mặt vận động.
Dù gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp và di chuyển, Trà My sẵn sàng lên rừng xuống biển, ăn, ở, sinh hoạt cùng các chiến sĩ biên phòng; đã được đến cả các trại giam, trực tiếp lắng nghe tâm sự của các phạm nhân; hay được ăn cùng các bạn trẻ trong trại cai nghiện... Phần thứ hai là 11 bài thơ cô giãi bày tâm sự với bản thân, quê hương và cỏ cây hoa lá. Phần thứ ba là những chia sẻ của bè bạn, những người khâm phục nghị lực của My.
Những chuyến đi “thu hoạch tình người”
Đọc sách, lúc thì thấy My đến Tây Ninh giúp trẻ em nghèo, khi lại đi xin đồ ăn cho người nghèo cùng xóm trọ, lúc khác vào thăm, tặng sách trại giam Z30D Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận). Khi khác, cô lên biên giới Bình Phước trải nghiệm và giao lưu với các chiến sĩ, ra miền Trung tặng quà cho bà con bị ảnh hưởng bão lũ. My còn một mình đến đảo Nam Du, Côn Đảo để tham quan, trải nghiệm và tìm cảm hứng sáng tác.
Trong cuốn sách có bài viết Trải nghiệm làm người vô gia cư mà My cho là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất. My đã nhờ người giúp đỡ để bản thân “thử” làm người vô gia cư, ăn xin ban đêm tại cổng chợ Kim Biên và quanh khu vực bệnh viện Chợ Rẫy.
Ở lần trải nghiệm này, My đã được gặp gỡ nhiều hoàn cảnh cực khổ, bệnh tật, mồ côi, không việc làm, không nhà cửa… Sau lần “đóng vai” cô đã phải trả giá bằng một trận ốm vì nhiễm lạnh. “Nhưng tôi đã lãi được sự thấu hiểu. Hiểu cuộc đời và hiểu người. Trong những người nghèo khổ đó, vẫn có những người tốt, tử tế”, Trà My giãi bày.
Sống vất vả, nhưng tinh thần My luôn lạc quan và lúc nào cũng thấy mình may mắn. Một mình ở giữa thành phố, tự lập, theo đuổi những hoạt động vì cộng đồng, có lúc cô rơi vào tình cảnh không một xu dính túi. Nhưng rồi, cô vẫn có người giúp đỡ, chia sẻ để cùng vươn lên trong cuộc sống.
Đồng cảm với Trà My, diễn giả Sơn Lâm chia sẻ: “Với một người sức khỏe bình thường, việc đi xuyên Việt, đến khắp các tỉnh, thành phố, hay ra nước ngoài là chuyện bình thường. Nhưng với một nhân dáng khiếm khuyết, việc đi lại với Trà My là một thử thách và cả một sự nỗ lực lớn. Cô cũng luôn chọn cho mình một thái độ đầy yêu thương, rồi trao điều đó cho người khác bằng tất cả những gì có thể”.
Đến nay, Trần Trà My đã đến hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cô sẽ còn nhiều chuyến trải nghiệm khác để viết sách, viết báo. My muốn truyền cảm hứng sống tốt, tử tế cho mọi người và cô muốn chứng minh một điều rằng, khi có ước mơ và dấn thân, chúng ta sẽ đạt được thành công.
Việc trải nghiệm theo hành trình phiêu lưu, chiều theo “ý thích của mình” đã khó, việc biến hành trình đó thành con chữ, gửi đăng báo kiếm tiền sinh sống còn khó khăn hơn nhiều. My tâm sự: “Các ngón tay của tôi bị co quắp, chỉ còn một ngón để mổ cò, nên rất khó khăn và rất chậm. Đó là một trở ngại rất lớn mà tôi phải vượt qua. Rồi tập hợp đủ bài, tôi lại vất vả đi chào hàng, tìm nhà tài trợ để giúp sách xuất hiện trên thị trường”.