Ngày 20/10, Kim Seon Ho xác nhận anh là "nam diễn viên họ K" được nhắc tới trong bài đăng tố cáo ngôi sao nổi tiếng ép bạn gái cũ phá thai. Anh công khai xin lỗi người bạn gái cũ, thừa nhận hành động "thiếu bất cẩn của mình" khiến cô bị tổn thương. Cô nhanh chóng chấp nhận lời xin lỗi của Seon Ho, khẳng định cả hai thành công "gỡ bỏ hiểu lầm".
Có thể nói, vấn đề giữa đôi bên đã được giải quyết, tuy nhiên tranh cãi xoay quanh Kim Seon Ho vẫn tiếp diễn.
Hậu quả, Kim Seon Ho phải rời khỏi chương trình 2 Days 1 Night. Hai bạn diễn của anh trong Hometown Cha-Cha-Cha là Lee Sang Yi và Shin Min Ah buộc hủy bỏ mọi lịch trình liên quan tới bộ phim. Nam diễn viên rút lui khỏi nhiều dự án phim sắp tới. Đặc biệt, nhãn hàng Kim Seon Ho làm người mẫu đại diện đã xóa bỏ toàn bộ hình ảnh liên quan tới anh.
Các thương hiệu hợp tác cùng Kim Seon Ho gỡ bỏ mọi hình ảnh liên quan tới nam diễn viên. Ảnh: Noblesse. |
Phản ứng của thương hiệu trước bê bối
Ngành quảng cáo Hàn Quốc luôn ưu ái những cái tên đang lên. Khi một ngôi sao trở thành xu hướng, họ nhận được hàng trăm lời mời hợp tác từ các thương hiệu nổi tiếng với đề nghị cát-xê hấp dẫn. Những ngôi sao này thường ký hợp đồng quảng cáo với nhiều nhãn hàng cùng lúc. Tuy nhiên, danh tiếng của họ cũng tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro tiềm ẩn.
Theo Hankyung, khi đối mặt với tranh cãi của người mẫu đại diện, các thương hiệu có tính chất ngành hàng đòi hỏi khả năng quan sát nhanh nhạy, buộc hành động nhanh chóng trước thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng sẽ là những bên đầu tiên có động thái phản ứng.
Thông thường, họ lập tức tuyên bố tạm ngưng hợp tác hoặc chấm dứt hợp đồng với người mẫu đại diện, xóa bỏ mọi hình ảnh liên quan tới ngôi sao đang vướng bê bối.
Tờ Hankyung đưa ra ví dụ về nam diễn viên Kim Seon Ho và nhãn hàng thức ăn nhanh anh hợp tác cùng. Trong tập cuối của Hometown Cha-Cha-Cha, nhân vật Seon Ho thủ vai đặt đồ ăn từ hãng và dành nhiều lời khen ngợi cho nhãn hàng. Đây là hình thức quảng cáo thông qua cài cắm sản phẩm vào phim ảnh.
Sau khi lên sóng, phân cảnh này được đánh giá là không tự nhiên, gây ngắt quãng mạch phim. Theo Hankyung, một trong những lý do chính khiến cảnh quay này có thể xuất hiện trong bộ phim là nhờ sự tin tưởng, ủng hộ của khán giả dành cho diễn viên. Mặc cho bối cảnh xuất hiện của sản phẩm không hợp lý, người xem vẫn có thể bỏ qua chi tiết này.
Tuy nhiên, sau khi tranh cãi xoay quanh Kim Seon Ho nổ ra, nhãn hàng này là đơn vị đầu tiên tiến hành gỡ bỏ hình ảnh quảng cáo của nam diễn viên, dù trước đó họ thường xuyên thể hiện sự ưu ái dành cho anh và bản thân nam diễn viên cũng đem lại nhiều lợi ích cho nhãn hàng.
Kim Seon Ho không phải người duy nhất bị gỡ bỏ hình ảnh sau khi vướng scandal. Không lâu trước đây, làng giải trí Hàn Quốc từng phải đối mặt với nhiều thiệt hại khi loạt bê bối bạo lực học đường của các thần tượng như Soo Jin ((G)I-DLE), Na Eun (April), Hyun Jin (Stray Kids)... nổ ra.
Đối diện với sức ép tới từ công chúng, toàn bộ nhãn hàng hợp tác cùng những ca sĩ này nhanh chóng chấm dứt hợp đồng quảng cáo và xóa bỏ toàn bộ hình ảnh liên quan.
Bê bối bạo lực học đường của loạt ngôi sao để lại hậu quả nghiêm trọng cho ngành giải trí. Ảnh: Grazia, Nylon. |
Từ quan điểm kinh doanh, vụ bê bối nào cũng ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số bán hàng của nhãn hiệu, và họ muốn giảm thiểu thiệt hại.
Theo News1, hợp đồng quảng cáo giữa thương hiệu và ngôi sao thường có điều khoản "đạo đức", nghiêm cấm các hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng như hành hung, sử dụng chất cấm, lái xe khi say rượu, quấy rối tình dục...
Về sau, khi bê bối xảy ra, điều khoản này trở thành cơ sở để các thương hiệu yêu cầu chấm dứt hợp tác và đề nghị bồi thường thiệt hại. Chi phí bồi thường vi phạm hợp đồng cao gấp hai, gấp ba lần so với mức thù lao được đưa ra.
Một nhân viên làm việc trong ngành marketing cho biết Kim Seon Ho kiếm được 400-500 triệu won (khoảng 340.000-425.000 USD) cho mỗi hợp đồng quảng cáo. Do vậy, có khả năng nam diễn viên phải bỏ ra 5 tỷ won (khoảng 4,25 triệu USD) tiền bồi thường nếu hơn 10 thương hiệu chấm dứt hợp đồng với anh sau bê bối này.
Trách nhiệm và độ tin cậy của người nổi tiếng
Trong vòng hai ngày kể từ khi bê bối nổ ra, cả Kim Seon Ho và công ty chủ quản của anh đều không đưa ra phản hồi. Đa phần giới truyền thông Hàn Quốc đưa tin họ "không thể liên lạc với công ty quản lý và diễn viên".
Vào thời điểm công ty chủ quản đưa ra thông báo ngắn gọn rằng họ "đang tìm hiểu bài đăng và xác minh lại câu chuyện với Kim Seon Ho", nhiều thương hiệu hợp tác cùng nam diễn viên đã gỡ bỏ hình ảnh của anh khỏi trang chủ.
Sau khi nam diễn viên đưa ra lời xin lỗi chính thức, không ít người hâm mộ của anh cho rằng các nhãn hàng này "hành động vội vàng lúc chưa có thông tin gì được xác nhận". Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Sports Chosun, đại diện của một trong số thương hiệu liên quan tới Kim Seon Ho cho biết phản ứng của họ không chỉ dựa vào độ chính xác của thông tin cáo buộc.
"Khi tranh cãi nổ ra, chúng tôi cố gắng liên hệ anh ấy và công ty quản lý suốt cả ngày. Chúng tôi cần câu trả lời, nhưng lại không thể liên lạc được với họ. Bên tôi cũng không hiểu tại sao họ quyết định phớt lờ chúng tôi", người đại diện chia sẻ.
Người này chỉ ra rằng phía Kim Seon Ho nên giải thích kỹ càng về tình hình và để nhãn hàng hợp tác xử lý vấn đề cùng công ty. "Nếu anh ấy làm như vậy ngay từ đầu, chúng tôi đã không phải gỡ bỏ mọi hình ảnh của anh ấy", người đại diện bày tỏ.
Ngoài ra, theo người đại diện của thương hiệu khác, sự thiếu giao tiếp hoàn toàn là yếu tố thúc đẩy khiến nhãn hàng quyết định chấm dứt hợp tác cùng Kim Seon Ho.
Người đại diện phân tích lý do đằng sau hành động của họ: "Sự nổi tiếng đi kèm cùng trách nhiệm. Có nhiều hợp đồng quảng cáo hơn đồng nghĩa với việc anh ấy phải tuân thủ nhiều điều khoản hơn. Sau khi nhận thấy anh ấy không mấy quan tâm tới trách nhiệm của mình dưới tư cách người mẫu đại diện được ràng buộc bởi hợp đồng với chúng tôi, chúng tôi nhận ra mình không thể tiếp tục làm việc cùng anh ấy".
Người đại diện khẳng định thực chất danh tiếng của Kim Seon Ho không quan trọng bằng độ tin cậy của anh. Nhãn hàng cần đạt được sự tin tưởng với người mẫu đại diện của họ, nhưng vì nam diễn viên xử lý khủng hoảng truyền thông bằng cách thức "không chuyên nghiệp và thiếu chín chắn", họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc cân nhắc lại hợp đồng quảng cáo.
"Chúng tôi nhận thấy trước rằng sẽ rất khó để anh ấy tạo dựng lại niềm tin với các thương hiệu khác", người đại diện nhận xét.
Các nhãn hàng cho rằng Kim Seon Ho có cách xử lý khủng hoảng truyền thông không chuyên nghiệp, thiếu chín chắn. Ảnh: Arena. |
Chia sẻ với Hankyung, nhiều nhân viên làm việc trong ngành giải trí cho biết mỗi khi xuất hiện bê bối của người nổi tiếng, điều đầu tiên họ nghĩ tới là xử lý hợp đồng quảng cáo với nhãn hàng.
"Cát-xê của người nổi tiếng tăng lên tới hàng tỷ đồng, tiền bồi thường thiệt hại cũng trở nên đắt đỏ. Do vậy, ưu tiên của chúng tôi là giải quyết vấn đề vi phạm hợp đồng quảng cáo với thương hiệu. Điều khoản bồi thường thường được bao gồm trong hợp đồng, nên chúng tôi cần có thời gian trước khi đưa ra bất kỳ thông báo nào", một người trong ngành chia sẻ với Hankyung.
Người này cho biết trong khoảng thời gian gần đây, có nhiều trường hợp người tiêu dùng trực tiếp yêu cầu nhãn hàng xóa bỏ hình ảnh của người mẫu đại diện, vậy nên trong trường hợp công ty chủ quản mất nhiều thời gian để xác nhận thông tin hoặc đưa ra thông báo chậm trễ, đôi lúc thương hiệu buộc phản hồi trước cả khi có thông báo chính thức.
"Công chúng đã nhận ra tầm quan trọng của hợp đồng quảng cáo, do vậy hành động này có thể khiến khán giả tin rằng mọi lời buộc tội xoay quanh ngôi sao là đúng sự thật", người này tiết lộ.
Liệu ngành quảng cáo có thể thay thế người nổi tiếng?
Nhiều thương hiệu Hàn Quốc bày tỏ sự quan ngại trước "rủi ro tiềm ẩn không thể đoán trước" khi hợp tác cùng người nổi tiếng. Đời tư của ngôi sao là điều ngay cả công ty quản lý cũng khó có thể nắm bắt toàn bộ.
Cuối cùng, rủi ro tiềm ẩn này dường như trở nên xung đột với chiến lược đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhất thông qua mời "ngôi sao xu hướng" có ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng làm người mẫu đại diện.
Gần đây, nhiều thương hiệu cân nhắc phương án sử dụng người mẫu ảo thay thế cho người nổi tiếng. Ngày 10/9, Maeil Kyungje đưa tin Rozy, người mẫu ảo tạo ra từ công nghệ AI của Sidus Studio X, nhận hơn 100 lời mời làm người mẫu đại diện.
Chia sẻ với Maeil Kyungje, Baek Seung Yeop - giám đốc của Sidus Studio X - cho biết mỗi khi xảy ra bê bối, người nổi tiếng buộc rút khỏi mọi dự án họ đang thực hiện. Tuy nhiên, người mẫu AI sẽ không có scandal nào cả.
Bối cảnh sử dụng cho người mẫu ảo được dựng thông qua đồ họa máy tính, nên họ không bị giới hạn về thời gian và không gian. Ngoài ra, người mẫu ảo có thể hoạt động trong khoảng thời gian dài, không phải đối mặt với nỗi lo già đi hay bệnh tật. Điều này giúp các nhãn hàng tiết kiệm đáng kể chi phí quảng cáo.
Tuy nhiên, theo Hankyung, không thể khẳng định chắc chắn liệu người mẫu ảo có thể chiếm được cảm tình của công chúng, bắt kịp sức ảnh hưởng của người nổi tiếng hay không.
Thực tế, có nhiều trường hợp người nổi tiếng với độ nhận diện cao tạo ảnh hưởng tích cực tới hình ảnh thương hiệu họ làm người mẫu đại diện.
Ngoài ra, sức mua mạnh mẽ của cộng đồng người hâm mộ ngôi sao cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Để ủng hộ và thể hiện sự yêu thích dành cho thần tượng, người hâm mộ sẵn sàng chi trả cho những món đồ được ngôi sao sử dụng trong cuộc sống thường ngày, gây nên hiện tượng "cháy hàng". Đôi khi, hiện tượng này có thể giúp vực dậy thương hiệu nhỏ đang trên bờ vực phá sản.
Đặc biệt, trong lĩnh vực thời trang và làm đẹp, hiệu ứng gợn sóng - trong trường hợp này có thể hiểu là hiện tượng hành động của người nổi tiếng gây ảnh hưởng lớn tới hành vi mua hàng của người tiêu dùng - được đánh giá là rất quan trọng.
Do vậy, nhiều khả năng trong tương lai các nhãn hàng sẽ tiếp tục hợp tác cùng người nổi tiếng, chấp nhận rủi ro tiềm ẩn tới từ chiến lược kinh doanh mang tính chất "con dao hai lưỡi" này.
Người mẫu ảo có thể gặp khó khăn trong việc bắt kịp sức ảnh hưởng của người nổi tiếng. Ảnh: @imma.gram. |