Sau sự bùng nổ của đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc buộc đối mặt với nhiều trở ngại khi người hâm mộ giờ đây khó có cơ hội gặp gỡ trực tiếp thần tượng. Toàn bộ hoạt động tổ chức dưới hình thức offline như concert, sự kiện ký tặng, fanmeeting... đều bị hoãn hoặc hủy bỏ.
Trước tình thế khó khăn, các công ty giải trí Kpop liên tục tìm kiếm và đưa ra giải pháp thay thế để người hâm mộ và thần tượng có thể tiếp tục kết nối, giao tiếp với nhau. Ứng dụng tính phí để nhắn tin cùng thần tượng là một trong những dịch vụ được phát hành nhằm đáp ứng mục đích này.
Ứng dụng nhắn tin có tính phí giúp người hâm mộ và thần tượng giao tiếp giữa bối cảnh đại dịch. Ảnh: Singles. |
Sự xuất hiện của ứng dụng nhắn tin trả phí
Tháng 2/2020, thông qua ứng dụng LYSN, SM cho ra mắt Dear U Bubble (thường được gọi tắt là Bubble) - dịch vụ nhắn tin cùng ngôi sao có trả phí.
Tại Bubble, người hâm mộ có thể nhận tin nhắn, hình ảnh độc quyền từ người nổi tiếng họ yêu thích và trò chuyện cùng họ. Bubble có giao diện tương tự với các ứng dụng nhắn tin riêng phổ biến trên mạng xã hội. Người hâm mộ cần chi trả ít nhất 4.500 won (khoảng 3.80 USD) một tháng để sử dụng dịch vụ.
Các ngôi sao Kpop thường chia sẻ câu chuyện về cuộc sống thường ngày, giải đáp thắc mắc, tâm sự và bày tỏ tình cảm, sự quan tâm dành cho người hâm mộ thông qua ứng dụng này. Một số khán giả nhận xét nội dung giao tiếp của người nổi tiếng và fan trên Bubble "hệt như cuộc trò chuyện giữa những người bạn thân thiết".
Không ngạc nhiên khi Bubble lập tức trở thành một trong số ứng dụng phổ biến nhất đối với cộng đồng fan Kpop. Theo báo cáo của Global Economic, loại hình dịch vụ này giúp SM thu về hơn 4,2 tỷ won (khoảng 3,5 triệu USD) chỉ trong quý 2 của năm 2020.
Bubble vốn là dịch vụ dành riêng cho nghệ sĩ của SM Entertainment, tuy nhiên thành công vượt trội của Bubble đem lại cơ hội mở rộng và phát triển ứng dụng cho nhà sản xuất. Hiện nghệ sĩ tới từ nhiều công ty khác nhau như FNC Entertainment, Jellyfish Entertainment, JYP Entertainment... đã gia nhập và sử dụng Bubble.
Dịch vụ Dear U Bubble đem lại lợi nhuận lớn cho các công ty giải trí. Ảnh: Beauty+. |
Dù Dear U Bubble tập trung vào "kết nối cá nhân giữa nghệ sĩ và người hâm mộ", đây vẫn là dịch vụ nhắn tin có trả phí. Do vậy, những thần tượng không thường xuyên gửi tin nhắn trên Bubble có thể bị đánh giá là "không hoàn thành đầy đủ công việc của mình" và đối diện với nhiều chỉ trích từ công chúng.
Tần suất nhắn tin của thần tượng
Ngày 13/10, trên bài đăng ở diễn đàn thảo luận trực tuyến Hàn Quốc, một khán giả chỉ ra rằng nữ ca sĩ Joy (Red Velvet) hoàn toàn không gửi tin nhắn cho fan từ sau ngày 14/9, đồng nghĩa với việc cô không hoạt động trên ứng dụng trong Bubble trong gần một tháng.
"Trong hai năm qua, mỗi tháng cô ấy chỉ gửi tin nhắn đúng hai, ba lần", người hâm mộ này bày tỏ sự thất vọng với nữ thần tượng cô yêu thích. Cô cho biết dù các thành viên khác của Red Velvet cũng có lịch trình bận rộn, họ vẫn đều đặn gửi tin nhắn cho người hâm mộ.
Nhiều khán giả bày tỏ sự đồng cảm với người viết bài ở mục bình luận của bài đăng.
"Đây là lý do tôi hủy đăng ký. Nhắn tin mỗi tháng một lần là quá ít, dù sao thì đây cũng là dịch vụ có tính phí mà. Nhiều người đăng ký cảm thấy bị xúc phạm", Korea JoongAng Daily trích dẫn bình luận chia sẻ về trải nghiệm sử dụng Bubble của người hâm mộ khác.
Không ít ý kiến cho rằng các ca sĩ - những người được hưởng lợi nhuận từ dịch vụ nhắn tin trả phí của Bubble - cần hoàn thành trọn vẹn nghĩa vụ công việc, đồng thời khẳng định người hâm mộ - những người trả tiền hàng tháng để sử dụng dịch vụ - có quyền yêu cầu thần tượng nhắn tin nhiều hơn dưới tư cách khách hàng.
Vào ngày 15/10, chỉ vài ngày sau khi bài đăng được đăng tải, Joy gửi tin nhắn mới cho fan trên ứng dụng. Tuy nhiên, hành động của nữ ca sĩ vấp phải phản ứng trái chiều.
Một số người hâm mộ bày tỏ sự thông cảm dành cho Joy. Họ cho rằng lịch trình bận rộn của nữ ca sĩ, đặc biệt khi cô đang trong quá trình ghi hình cho bộ phim Only One Person, khiến Joy không có đủ thời gian giao tiếp cùng người hâm mộ.
Tuy nhiên, nhiều khán giả thể hiện sự hoài nghi, cho rằng nữ ca sĩ chỉ quyết định nhắn tin cùng người hâm mộ sau khi cô "bị chỉ trích vì sự thờ ơ, thiếu nhiệt tình của mình". Đặc biệt, thời điểm Joy gửi tin nhắn cho fan cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi.
Theo chính sách của Bubble, nếu nghệ sĩ không gửi tin nhắn trong khoảng thời gian từ một tháng trở lên, người sử dụng dịch vụ có thể khiếu nại với Bubble và đăng ký nhận hoàn lại tiền. Chính sách này được áp dụng từ tháng 5 sau khi người tiêu dùng chỉ ra rằng một số thần tượng hoàn toàn không nhắn tin trong suốt một tháng.
"Nếu cô ấy không nhắn tin, thì hôm nay sẽ đánh dấu tròn một tháng kể từ lần cuối cô ấy gửi tin nhắn, và người hâm mộ có thể xin hoàn tiền", một khán giả nhận xét.
Dù nhiều người hâm mộ lên tiếng bênh vực Joy, nữ ca sĩ vẫn không tránh khỏi làn sóng chỉ trích từ công chúng. Đặc biệt, sau khi vụ việc xoay quanh nữ ca sĩ nhận được nhiều chú ý, khán giả Hàn Quốc bắt đầu liệt kê danh sách những người nổi tiếng không thường xuyên nhắn tin với fan trên Bubble, khẳng định họ "có thái độ không nghiêm túc, bỡn cợt với người hâm mộ".
Công chúng cho rằng Joy có thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm với người hâm mộ. Ảnh: ELLE. |
"Chỉ mất vài giây để gửi một tin nhắn thôi", một khán giả để lại bình luận tỏ ý không hài lòng.
Liệu đã có sự đồng thuận hoàn toàn từ thần tượng?
Đề cập tới Bubble, nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Heon Sik đưa ra nhiều thắc mắc về dịch vụ mà Bubble cung cấp.
"Trước khi chỉ trích cá nhân nghệ sĩ, chúng ta cần cân nhắc kỹ càng về việc điều gì có thể được tận dụng để kiếm tiền, và điều gì không", Kim chia sẻ cùng Korea JoongAng Daily.
Theo Kim, công ty giải trí Hàn Quốc đã và đang thu lợi nhuận từ nhiều loại hình nội dung giải trí mà nghệ sĩ của họ cung cấp cho công chúng. Tuy nhiên, Kim cho biết ông không thể khẳng định liệu người nổi tiếng có hoàn toàn đồng ý với kế hoạch kinh doanh của công ty không.
"Dịch vụ nhắn tin một đối một thực chất là hoạt động đòi hỏi sức lao động tinh thần lớn từ nghệ sĩ", Kim nhận định.
Nhà phê bình cho biết hành động của Joy là sai, vì nữ ca sĩ đã không hoàn thành trọn vẹn nghĩa vụ của bản thân dưới tư cách đối tác kinh doanh.
Dù vậy, Kim đặt ra câu hỏi về mức độ chân thành trong tương tác giữa người nổi tiếng và người hâm mộ trong dịch vụ Bubble. Khi việc trò chuyện cùng người hâm mộ được biến thành công cụ kiếm tiền, hành động giao tiếp nghiễm nhiên trở thành "nghĩa vụ" của mỗi ngôi sao.
"Nếu cô ấy gửi tin nhắn, nhưng lý do chỉ là vì người hâm mộ tỏ ra phẫn nộ mỗi khi cô ấy không nhắn tin, liệu đó có đúng là fan service (cử chỉ được thực hiện có chủ đích nhằm làm hài lòng người hâm mộ) không? Sự tương tác này chân thành đến đâu?", nhà phê bình Kim đưa ra loạt câu hỏi hoài nghi xoay quanh dịch vụ nhắn tin trả phí.
Chia sẻ với Korea JoongAng Daily, Kim cho rằng công chúng cần tự hỏi liệu ngành giải trí có nên tiếp tục phát hành dịch vụ mang tính chất của quan hệ ký tác (mối quan hệ tình cảm, tình bạn "ảo tưởng", một chiều với cá nhân không quen biết) tương tự Bubble không.
Kim Heon Sik khẳng định: "Tốt nhất, hãy để người nổi tiếng giao tiếp với người hâm mộ một cách tự nguyện, không dính líu tới các dịch vụ kiếm lời".
Nhà phê bình Kim Heon Sik cho rằng tương tác giữa người hâm mộ và thần tượng không nên bị sử dụng như cách thức kiếm tiền. Ảnh: GQ. |