Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập nhà xuất bản (NXB) Trẻ (24/3/1981 - 24/3/2021), ông Dương Thành Truyền, quyền Giám đốc NXB Trẻ, trao đổi về tầm nhìn, giải pháp phát triển trong tương lai.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các thế hệ lãnh đạo NXB Trẻ trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập nhà xuất bản. Ảnh: T. N. |
Hơn 200 triệu bản sách
- 40 năm qua, NXB Trẻ đã có những dấu ấn gì trong việc phục vụ công chúng?
- Hành trình xây dựng và phát triển của NXB Trẻ 40 năm qua nhiều gian nan, nhiều thử thách, không ít thăng trầm nhưng rất đáng tự hào. Bởi đó là hành trình đi lên, lớn mạnh và phát triển không ngừng.
Chúng tôi đi lên từ vị thế một nhà xuất bản của tổ chức Đoàn ở một địa phương, nay đã trở thành một nhà xuất bản có tầm vóc cả nước và bước đầu hội nhập với ngành xuất bản thế giới, được chọn để xây dựng là nhà xuất bản trọng điểm quốc gia.
Từ một đơn vị sự nghiệp làm sách, phát hành sách cho thanh thiếu nhi nay đã trở thành một doanh nghiệp có năng lực kinh doanh, có doanh số vào nhóm top 4 của cả nước, với 1.200 đối tác trong nước, 100 đối tác nước ngoài, các chi nhánh Hà Nội, Đà Nẵng, Đông Nam Bộ, các cửa hàng sách tại 157 Lý Chính Thắng, Đường Sách TP.HCM, Đường Sách Vũng Tàu và một công ty sách điện tử thành viên.
Sau 40 năm, NXB Trẻ phát hành được 40.828 đầu sách, hơn 216.882.904 bản in, trung bình mỗi năm là 1.000 cuốn sách, vài năm gần đây có thể cho ra đời từ 1.500 đến 1.800 đầu sách mỗi năm, trong đó có từ 400 đến 500 đầu sách mới.
Từ tác phẩm đầu tiên là tranh truyện về người anh hùng Trần Văn Chẩm đến nay có hàng trăm bộ sách, đầu sách, dòng sách được bạn đọc yêu thích, với đủ mọi thể loại từ văn chương đến phi hư cấu, từ tác phẩm trong nước đến sách dịch, từ sách cho trẻ em đến sách cho người lớn, từ tranh truyện đến truyện tranh và sách học ngoại ngữ, có cả sách giấy, sách nói và sách điện tử.
- NXB Trẻ đã thực hiện những cải tiến gì để đạt được thành tựu ấy?
- NXB Trẻ mở đường liên kết làm sách và phát hành sách với tư nhân nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; hội nhập và hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động giao dịch tác quyền, mua tác quyền đầu tiên từ nước ngoài; mua tác quyền trọn đời của tác giả, dịch và bán tác quyền sách trong nước ra nước ngoài; số hóa và kinh doanh sách điện tử; đưa sách Việt đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài…
Lịch sử NXB Trẻ ghi nhận bước đột phá từ đầu thập niên 1990 khi thực hiện sách kế hoạch A trở thành con đường phát triển bền vững của nhà xuất bản.
Thế hệ những người làm sách khi ấy bắt đầu thực hiện các tủ sách, bộ sách, dòng sách theo chuyên đề nhằm đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng độc giả; mở các kênh phát hành qua hệ thống phát hành chuyên nghiệp, qua thư viện, trường học và các đại lý tư nhân; đầu tư và mở rộng kênh bán hàng của chính mình.
Chúng tôi cũng không ngừng cải tiến với các ấn phẩm đặc biệt từ thủ công đến kỹ thuật cao; sử dụng giấy nhẹ không lóa mắt chuyên dùng cho việc đọc sách, sử dụng giấy và mực in thân thiện với môi trường; thực hiện các dấu hiệu nhận diện riêng trên sách theo chuẩn thế giới từ biểu ghi biên mục trước xuất bản CIP đến chỉ số ISBN; thực hiện các giải pháp đưa công nghệ nhằm tăng thêm giá trị gia tăng cho sách như tem thông minh, mã vạch hai chiều (QR code), ứng dụng hình động trên bìa sách…
Ông Dương Thành Truyền tại lễ kỷ niệm 40 ngày thành lập NXB Trẻ. Ảnh: NXB Trẻ. |
Hướng thượng, đồng hành và chắp cánh
- Hành trình phát triển của một nhà xuất bản cần đồng hành với các tác giả và cây bút. Thông qua kinh nghiệm từ NXB Trẻ, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Tôi xin dùng ba chữ: Đồng hành, chắp cánh và hướng thượng. NXB đồng hành với những người cầm bút (các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, dịch giả), với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học bằng nghĩa tình, bằng sự trân trọng, bằng tinh thần trách nhiệm thực hiện bản quyền nghiêm túc đối với từng tác giả.
Họ là những người đã dành những đứa con tinh thần cho kỳ vọng trở thành tài sản kiến thức - tâm hồn của xã hội, trong đó có người đã gắn bó 20, 30, thậm chí hơn 30 năm cùng nhà xuất bản…
NXB chắp cánh cho những cây bút trẻ, cây bút mới bằng tập san Áo trắng với sức sống hơn 30 năm của một văn đàn dành cho tuổi mới lớn. Các cuộc thi, vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi, Văn học tuổi 20… trở thành giải thưởng văn chương có uy tín của nước nhà.
NXB cũng lấy sự hướng thượng làm định hướng làm sách, không vì mục tiêu duy nhất là lợi nhuận, không chạy theo thị hiếu tầm thường.
Ông Dương Thành Truyền
Tất cả vì mỗi bạn đọc, vì các thế hệ người đọc Việt Nam trên con đường phát triển bản thân từ học vấn đến tâm hồn, từ tư duy đến ứng xử, từ năng lực đến giao tiếp; chung sức góp phần vì sự phát triển của đất nước dựa trên giá trị của lòng yêu nước, của tinh thần công dân, của văn hóa và khoa học, của hội nhập toàn cầu từ những trang sách và từ các hoạt động khuyến đọc, khuyến viết…
- Ông có thể chia sẻ thêm về mục tiêu của NXB Trẻ trong thời gian tới?
- Từ cột mốc 40 năm, hướng về tương lai, NXB Trẻ tiếp tục thực hiện sứ mệnh “Nuôi dưỡng tâm hồn - Khơi nguồn tri thức”, với giá trị cốt lõi là “ Đàng hoàng - Chuyên nghiệp - Tận tâm”, bằng tầm nhìn cho 15 năm, 20 năm tới trở thành một nhà xuất bản có tầm cỡ, uy tín trong khu vực.
Mục tiêu này sẽ được thực hiện thông qua việc thiết lập và phát triển một hệ sinh thái thưởng thức phong phú, cả về sách giấy, sách nói, sách điện tử và các tiện ích đi kèm, với cam kết đi đầu về nội dung, chất lượng phục vụ nhu cầu đa dạng của người đọc trong và ngoài nước.
- Để đạt được những kỳ vọng trên, theo ông, NXB Trẻ cần vượt qua những thách thức gì?
- Người làm sách đang đứng trước những thách thức cực kỳ to lớn và phức tạp, vừa cấp bách vừa lâu dài:
Một mặt, cần phải nhận diện, phải thấu hiểu sâu sắc hơn, toàn diện hơn về một lớp độc giả mới - những người đọc đang sống, đang giao tiếp, đang tiêu dùng, đang giải trí… trong một không gian sống được điều kiện hóa bởi mạng xã hội, thương mại điện tử, các thiết bị di động và dữ liệu kỹ thuật số.
Mặt khác, cần phải thay đổi nhanh chóng và đồng bộ từ cách tiếp cận bạn đọc đến tổ chức các cộng đồng đọc sách, từ cách tư duy đề tài đến phương thức tổ chức bản thảo mới, từ cách làm sách một chiều đến các dòng sách tương tác, từ cách làm sách vì nhu cầu xã hội đến cách làm sách theo nhu cầu cá nhân và các dịch vụ tác giả - tác phẩm.
Chiến thuật kinh doanh truyền thống đến phương thức bán hàng, giao nhận, thanh toán hiện đại cần thay đổi.