Cảng vịnh Tibar, với thiết kế có thể đảm bảo lưu thông tới 750.000 container mỗi năm, là một trong số 20 dự án đang được các công ty quốc doanh Trung Quốc xây dựng ở Đông Timor.
Đối với một số người, tiếng nổ trên là âm thanh của sự trỗi dậy, và nền kinh tế lớn nhất châu Á đang giúp đỡ một trong những nước nhỏ và nghèo nhất khu vực. Nhưng với những người khác, đó là âm thanh báo hiệu cho thời kỳ lệ thuộc của Đông Timor.
Vấn đề “con gà và quả trứng”
Đông Timor muốn phát triển kinh tế, đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng để có thể gia nhập khối ASEAN. Nhưng đất nước 1,3 triệu dân, có diện tích hơn 15.000 km2 (gần bằng tỉnh Nghệ An), đang gặp vấn đề “con gà và quả trứng” trong nỗ lực này.
Để vào ASEAN, nước này cần cải thiện kinh tế, nhưng nếu cải thiện kinh tế, chỉ có cách nhờ Trung Quốc, mà như vậy làm giảm cơ hội vào ASEAN, theo South China Morning Post.
Đông Timor giành độc lập từ Indonesia năm 2002, chính thức xin gia nhập ASEAN năm 2011, và là nước Đông Nam Á duy nhất không phải thành viên ASEAN. Gia nhập tổ chức này sẽ vừa thúc đẩy kinh tế Đông Timor, vừa đánh dấu vị thế của quốc gia mới 17 tuổi, chuyển mình từ một nước bị chiếm đóng thành đối tác trong khu vực.
Tuy nhiên, Maria Ortuoste, người từng là nhà phân tích trong Bộ Ngoại giao Philippines, nói ASEAN vẫn chưa quên những hội nghị thượng đỉnh đầy chia rẽ, không ra được hoặc trì hoãn tuyên bố chung về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Nguyên nhân là Lào và Campuchia dường như chịu quá nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc.
“Trung Quốc không ngần ngại ‘nắn gân’ các nước”, Ortuoste, hiện là giáo sư dạy khoa học chính trị ở Đại học bang California ở East Bay, nói với South China Morning Post.
Những bé trai đang chơi đùa ở thủ đô Dili của Đông Timor. Ảnh: South China Morning Post. |
Buộc phải nhờ Trung Quốc để phát triển kinh tế
Nền kinh tế của Đông Timor cần nhiều hỗ trợ. Cho đến năm 2015, nước này vẫn kiếm tiền từ dầu khí, nhưng giờ đây, thu nhập chính đến từ một quỹ đầu tư quốc gia. Quỹ này có giá trị 16 tỷ USD nhưng vẫn giậm chân tại chỗ vài năm nay.
Để phát triển quỹ này, Đông Timor cần khai thác các mỏ dầu còn lại, nhưng làm vậy sẽ khiến quỹ đầu tư trên cạn tiền.
Ngoài ra, Đông Timor có dân số trẻ nhất thế giới, độ tuổi trung vị là 19 tuổi, và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 40% theo một số ước tính.
Với nhiều vấn đề như vậy, có những tiếng nói ngay cả trong ASEAN ủng hộ việc Đông Timor tìm kiếm đầu tư của Trung Quốc.
Indonesia, nước từng chiếm đóng Đông Timor, từ lâu đã ủng hộ việc kết nạp Đông Timor vào ASEAN. Malaysia, Brunei và Philippines, trước nay thuộc nhóm phản đối do Singapore dẫn dắt, gần đây cũng lên tiếng ủng hộ. Thay đổi này nhờ nỗ lực ngoại giao của Đông Timor với từng nước ASEAN.
“Sau 8 năm, các nỗ lực của chúng tôi để gia nhập ASEAN ngày càng tăng”, Đại sứ Jorge Trindale Neves de Camões, phụ trách các vấn đề Đông Nam Á tại Bộ Ngoại giao Đông Timor, nói với South China Morning Post.
Lo ngại của ASEAN về ảnh hưởng của Trung Quốc lên Đông Timor hoàn toàn có cơ sở. Trung Quốc đã cho không nước này một số trụ sở quân đội và chính phủ, và đã xây dựng hầu hết hạ tầng giao thông ở đây. Bắc Kinh nhận Đông Timor làm thành viên Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á năm 2017.
Trụ sở chính phủ của Đông Timor ở thủ đô Dili. Ảnh: AFP. |
Đại sứ Indonesia ở Đông Timor Sahat Sitorus nói với Jakarta Post dù Indonesia vẫn là nhà đầu tư lớn vào Đông Timor, gần đây các công ty Trung Quốc đã thắng thầu với cái giá mà công ty Indonesia không thể nào cạnh tranh lại.
Các dự án lớn của các công ty nhà nước Trung Quốc bao gồm lưới điện (đã đi vào vận hành), một cao tốc kết nối các thành phố dọc bờ biển phía nam, và cảng Tibar. Tất cả nằm trong kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng mang tên Tasi Mane, được kỳ vọng sẽ biến bờ biển phía nam Đông Timor trở thành trung tâm lọc dầu quy mô công nghiệp.
Đông Timor quá bấp bênh, ASEAN khó hưởng lợi
Sự ngần ngại của ASEAN không chỉ vì Trung Quốc. Một số ý kiến nghi ngờ khả năng Đông Timor có thể đứng vững như một quốc gia độc lập.
Ông Camões ở Bộ Ngoại giao Đông Timor nói nước này đang chật vật với những “vấn đề nhỏ nhặt của bộ máy nhà nước”. Là thuộc địa của Bồ Đào Nha gần ba thế kỷ trước khi nhóm chính trị Fretilin tuyên bố độc lập năm 1975, Đông Timor lại bị Indonesia chiếm đóng, trước khi giành độc lập năm 2002.
Dù đã tổ chức bầu cử tổng thống trong hòa bình năm 2017, Đông Timor vẫn vật lộn vì luật pháp chưa hoàn chỉnh, nạn tham nhũng và các quy định lỏng lẻo, theo Fitch Solutions, công ty theo dõi các môi trường đầu tư và đã xếp Đông Timor là nước rủi ro nhất châu Á.
Người ủng hộ một ứng viên tổng thống Đông Timor đổ ra đường tháng 3/2017. Ảnh: Reuters. |
“Phản đối từ các nước ASEAN không chỉ do ảnh hưởng của Trung Quốc”, Bec Strating, giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế ở đại học La Trobe ở Melbourne, nói với South China Morning Post. “Họ cũng lo ngại liệu Đông Timor có khủng hoảng trong tương lai hay không. Tương lai kinh tế (nước này) còn nhiều bất trắc”.
ASEAN nhiều khả năng sẽ không từ chối ngay đơn xin gia nhập của Đông Timor, mà sẽ trì hoãn điều này, theo các chuyên gia.
Cựu tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong nói Đông Timor sẽ cần cả 10 thành viên đồng ý cho gia nhập, theo nguyên tắc đồng thuận của khối.
“Làm thành viên ASEAN là trách nhiệm lớn”, ông Ong nói. “Sẽ tốn nhiều thời gian và nguồn lực. Điều đó có nghĩa Đông Timor sẽ phải cân bằng giữa ưu tiên trong nước và cam kết với ASEAN”.
Dù Đông Timor có đạt các điều kiện, một số chuyên gia cho rằng khối sẽ không hưởng lợi gì từ quốc gia non trẻ này.
“Nhìn vào các vấn đề đa dạng mà ASEAN phải đối mặt như kinh tế, quốc phòng, thì Đông Timor có thể đóng vai trò gì?”, Natalie Sambhi, từ Trung tâm Perth USAsia, Đại học Western Australia, nói với South China Morning Post.
“Chỉ riêng sự đồng thuận (cho Đông Timor gia nhập) đã là điều khó đạt được”.