Các hãng hàng không nội địa cùng những nhà sản xuất ôtô hạng sang từ châu Âu chính là những kẻ thua cuộc sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc để giá đồng nhân dân tệ giảm mạnh nhất trong 2 thập kỷ trở lại.
Trong khi người ta không chắc rằng liệu đồng nhân dân tệ có tiếp tục giảm hay không, các nhà đầu tư đã bất đầu đưa ra nhận định về những người chiến thằng và kẻ thua cuộc tiềm năng.
Kẻ thua cuộc:
1. Các hãng hàng không Trung Quốc
Những khoản nợ của các hãng hàng không Trung Quốc được tính bằng USD. Đồng nhân dân tệ giảm giá làm tăng chi phí trả nợ và gây tổn hại đến thu nhập. Cổ phiếu China Southern Airlines giảm 18% trên sàn Hong Kong - sâu nhất kể từ năm 2001. China Eastern Airlines giảm 16% - nhiều nhất trong 7 năm qua. Theo báo cáo tài chính năm 2014, cứ mỗi 1% giảm giá của đồng nội tệ sẽ dẫn tới lợi nhuận hàng năm của China Southern thiệt hại 767 triệu nhân dân tệ (tương đương 121 triệu USD).
2. Các nhãn hàng cao cấp đến từ châu Âu
Với tư cách là đối tác thương mại chính của Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của quốc gia này đã và đang là khách hàng ưa thích của các hãng xa xỉ phẩm châu Âu. Đồng nhân dân tệ yếu đi sẽ làm giá của những chiếc xe Đức, đồng hồ Thuỵ Sỹ hay túi xách Pháp trở nên dắt hơn đối với người tiêu dùng Trung Quốc.
Cổ phiếu của BMW AG - hãng xe hơi với 19% doanh thu từ thị trường Trung Quốc năm 2014 - giảm 4% tại Đức. Trung Quốc cũng chiếm khoảng 10% doanh thu của Daimler AG - hãng sản xuất các thương hiệu ôtô nổi tiếng như Mercedez hay Maybach. Cổ phiếu LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton SE giảm 5,4%. Thị trường châu Á (trừ Nhật Bản) chiếm khoảng 29% doanh thu của LV vào năm 2014.
Động thái gây ngạc nhiên của Trung Quốc với việc giảm 1,9% tỷ giá tham chiếu ngày 11/8 đã gây ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Ảnh: Indianexpress. |
3. Các hãng sản xuất hàng tiêu dùng mà Trung Quốc là thị trường nước ngoài lớn nhất
Cổ phiếu Apple Inc. giảm 5,2%, cao nhất kể từ tháng 1/2014. Trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ iPhone lớn thứ hai thế giới. Theo Bloomberg Intelligence, sự yếu đi của đồng nhân dân tệ có thể sẽ khiến Appe hoặc phải tăng giá sản phẩm, hoặc phải đối mặt với việc lợi nhuận biên và tăng trưởng đơn vị giảm đi.
Cổ phiếu Swatch Group AG giảm 3,6%. 37% doanh thu năm 2014 của tập đoàn sản xuất đồng hồ Thuỵ Sỹ này đến từ Trung Hoa đại lục.
4. Các nhà sản xuất hàng hoá
Đồng nhân dân tệ giảm giá làm tăng chi phí nhập khẩu, trong đó có chi phí nhập khẩu hàng hoá. Cổ phiếu Vale SA, nhà sản xuất quặng lớn nhất thế giới, giảm 5,1% tại Sao Paulo. Trung Quốc chiếm 37% doanh thu quý II của Vale.
Nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 35% doanh thu năm 2014 của công ty khai thác mỏ hàng đầu Australia là BHP Billiton. Đất nước đông dân nhất thế giới cũng chiếm 38% doanh thu của Rio Tinto Plc, công ty liên doanh khai thác mỏ giữa Anh và Australia.
5. Tiền tệ châu Á
Các đồng tiền chính của châu Á đều giảm do lo ngại đồng nhân dân tệ yếu đi sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách trong khu vực phải giảm tỷ giá, bởi xuất khẩu Trung Quốc rẻ đi sẽ mang lại lợi thế trước các đối thủ. Đồng nội tệ Singapore giảm 1,4% trong đợt bán tháo lớn nhất kể từ năm 2011. Trong khi đó, đồng won Hàn Quốc giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 5/2013.
Bên thắng cuộc:
1. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc
Các công ty có hàng xuất khẩu tại Trung Quốc đang hưởng lợi từ việc đồng nhân dân tệ giảm giá. Cổ phiếu tập đoàn chế tạo máy China Machinery Engineering Corp tăng 5,9% tại Hong Kong, trongkhi Lenovo Group Ltd. tăng 2,9%. Cả 2 tập đoàn này có 65% doanh thu đến từ nước ngoài.
Theo Dong Yang, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, các nhà xuất khẩu xe trong nước phát triển chậm trong những năm qua, khi mà giá đồng nhân dân tệ và đồng won yếu đi, đem lại lợi thế về giá của các đối thủ đến từ Nhật và Hàn Quốc. Yin Tongyue, chủ tịch Chery Automobile - hãng xuất khẩu xe lớn nhất Trung Quốc, ủng hộ việc giảm giá đồng nhân dân tệ. Ông cho rằng điều này mang lại doanh thu từ nước ngoài tốt hơn cho hãng.
Theo Delong Yang, quản lý đầu tư của quỹ đầu tư hàng đầu Trung Quốc China Southern Fund Management, các hãng sản xuất dệt may có hàng xuất khẩu cũng được hưởng lợi. Giá cổ phiếu của hãng dệt may Huafang đã tăng 10% trên sàn Thượng Hải.