Một thành viên ban chuyên án của Cục Di trú Đài Loan tại Cao Hùng cho hay 152 du khách Việt Nam mất tích vốn dĩ ban đầu được sắp xếp lưu trú tại hai nơi là khách sạn Star International ở quận Tam Dân và khách sạn Đế Hào ở quận Diêm Trình, theo Apple Daily.
Người này cho biết sau khi làm thủ tục nhận phòng, một số du khách để hành lý tại phòng khách sạn nhưng không thấy người, một số thì kéo hành lý rời đi. Tại khách sạn Đế Hào, một số du khách người Việt được cho là 18h nhận phòng thì 19h đã rời đi.
Camera tại khách sạn cho thấy nhóm du khách lần lượt bước lên những chiếc xe khách cỡ nhỏ hoặc xe SUV, một số ít đi taxi. Hiện tại, cảnh sát đang dựa vào xe để tìm người. Theo dữ liệu trong hồ sơ đăng ký của những chiếc xe này, chủ xe sống ở nhiều nơi tại Đài Loan, nên cảnh sát tình nghi đứng sau vụ việc là các băng nhóm buôn người có tổ chức.
Một tiếng kéo hành lý rút lui
Truyền thông Đài Loan tối 25/12 loan tin 152 trong tổng số 153 khách du lịch Việt Nam mất tích sau khi đến hòn đảo. Những người này nhập cảnh tại sân bay Cao Hùng với hành trình được công ty lữ hành International Holidays Trading Travel của Việt Nam sắp xếp.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xác nhận đây là tên tiếng Anh của Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ quốc tế có trụ sở tại quận Gò Vấp, TP. HCM. Đại diện công ty là ông Phan Ngọc Hạnh, chức vụ giám đốc.
Theo một nhân chứng họ Trần chứng kiến sự việc tại khách sạn Star International tối 23/12, khi du khách người Đài này đến khách sạn vào lúc 21h30, anh nhìn thấy một nhóm du khách kéo hành lý và lần lượt bước lên một chiếc SUV đang chờ sẵn ven đường. Cảnh tượng y hệt diễn ra liên tục trong một tiếng huyên náo.
Anh cảm thấy kỳ lạ và đứng quan sát. Một tiếng sau, anh thấy có khoảng hơn 40 người "dường như nói tiếng Việt" bên trong những chiếc xe khách nhỏ hoặc SUV. Sau đó, anh thấy hướng dẫn viên du lịch báo cảnh sát và cảnh sát đã tới khách sạn.
Anh cũng kể khi đó anh đã hỏi một du khách người Việt khác, đến Đài Loan công tác và cũng ở tại khách sạn này, rằng "có biết chuyện gì đang xảy ra không". Người này nói với anh rằng "có một số người Việt căn bản không đến Đài Loan để vui chơi mà mà để bỏ trốn".
Hình ảnh một số du khách người Việt trước khi mất tích qua camera giám sát của khách sạn. Ảnh: Apple Daily. |
Trao đổi với Zing.vn sáng 26/12, ETholiday (tên tiếng Trung là Đông Sâm), hãng lữ hành Đài Loan tiếp nhận các đoàn khách, cho biết số du khách Việt Nam đến Đài Loan theo hai đợt và mỗi đợt lại có nhiều vụ "thoát đoàn" diễn ra vào các thời điểm khác nhau.
Theo bà Lại Ngạn Linh, người phát ngôn của ETholiday, không phải tất cả du khách đều mất tích ngay sau khi đến nơi. Các tour tham quan vẫn diễn ra theo lịch trình từ Cao Hùng ở phía nam đến huyện Nam Đầu ở miền trung và thành phố Tân Bắc ở miền bắc Đài Loan, và từng nhóm du khách mất tích trong quá trình này.
Hai, ba người đã đến dò thám trước
Người quản lý tại khách sạn Star International vốn dự đoán được việc các du khách Việt Nam sẽ bỏ đi, theo Apple Daily. Tuy nhiên, người này cho rằng khách sạn cũng sẽ không thiệt hại gì vì họ trực tiếp ký hợp đồng với phía hãng lữ hành.
"Trước giờ chưa từng thấy vụ du khách bỏ trốn nào quy mô lớn như vậy, cảm thấy quá kinh khủng, không thể tin được. Làm sao một chuyện như vậy có thể xảy ra chứ?", người này nói.
Nhớ lại tối hôm đó, vị quản lý cho biết có 5 chiếc xe khách chở tổng cộng 120 người đến khách sạn. Hướng dẫn viên giao khóa phòng cho họ tại đại sảnh nhưng một số du khách lên nhận phòng còn một số thậm chí không bước vào khách sạn.
Một số khác đi lại bên ngoài, trước khách sạn lúc đó có không ít xe. Quản lý khách sạn tưởng đó là xe của họ hàng hoặc bạn bè của khách đến thăm. Sau đó, những du khách này liên tục ra vào khiến hướng dẫn viên cảm thấy không ổn, nhưng cũng không ngờ những chiếc xe kia lại đưa người đi mất.
Một cửa hàng bên cạnh khách sạn đã cung cấp hình ảnh camera cho thấy 5 chiếc xe du lịch lần lượt tiến đến lối vào gần một ngã ba của khách sạn Star. Những du khách Việt Nam đầu đội mũ, từng người xuống xem, không ít người để hành lý dưới chân. Từng nhóm nhỏ khoảng 2-3 người tụ tập nói chuyện, chưa lập tức đi vào khách sạn.
Trong số 120 du khách ở khách sạn này, chỉ còn một cô gái 17 tuổi không có ai đón, bị cảnh sát đưa về đồn. Cơ quan di trú sau đó đưa cô gái này về nơi tạm giữ ở thành phố Đào Viên.
Theo điều tra bước đầu của ban chuyên án, trước khi đoàn khách đến 2 khách sạn ở Cao Hùng, đã có 2-3 người đàn ông thường xuyên lân la ở khu vực xung quanh 2 khách sạn này để "thăm dò địa hình", dường như là để chuẩn bị đưa người đi. Vì chủ xe của những chiếc xe được cho là đưa người bỏ trốn phân bố rải rác toàn Đài Loan, ban chuyên án cho rằng có thể vụ việc có liên quan đến các tổ chức buôn người.
Công ty Đài Loan là "nạn nhân"
Đại diện Phòng Thông tin chính quyền thành phố Cao Hùng hôm 26/12 cho biết vụ 152 du khách Việt Nam mất tích tại Đài Loan hiện do chính quyền trung ương xử lý, và thành phố chưa thể cung cấp thêm thông tin khác.
Trả lời Zing.vn, vị này cho hay Cục Du lịch thuộc Bộ Giao thông, Cục Di trú thuộc Bộ Nội chính và Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao ở Đài Bắc đang phối hợp triển khai các biện pháp điều tra, xử lý sự việc.
Trong cuộc họp báo hôm 26/12, một số người trong ngành du lịch Đài Loan nói các hãng lữ hành của hòn đảo đã bị biến thành "nạn nhân" bởi thủ tục duyệt cấp visa của chính quyền chưa đủ chặt chẽ cũng như phản ứng kém của lực lượng thực thi pháp luật.
Ông Lý Cơ Nhạc, chủ tịch Hiệp hội Các hãng lữ hành Đài Loan, nói đây là vụ bỏ trốn lớn nhất trước nay sau khi Đài Loan nới lỏng chính sách visa với một số nước gồm Việt Nam vào tháng 11/2015.
152 du khách Việt Nam được cho là bỏ trốn tại Đài Loan. Ảnh: Apple Daily. |
Bà Lại cho biết đa số du khách người Việt tách đoàn bỏ trốn sau khi quay về khách sạn nghỉ ngơi. Khi họ phát hiện và trình báo sự việc, cơ quan chức năng, bao gồm cảnh sát, đã không có hành động nào vì thiếu chứng cứ phạm tội.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 26/12 cho biết bộ đã chỉ đạo Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc liên hệ với các cơ quan chức năng của Đài Loan phối hợp giải quyết sự việc, không để ảnh hưởng đến hoạt động du lịch và giao lưu của người dân.
Bà Lại nói công ty bà có thể chịu thiệt hại lớn vì vụ việc. Hiện công ty vẫn chưa nhận được phí đi lại 10.000 tân đài tệ (324 USD) một du khách từ đối tác ở Việt Nam. Trong khi đó, công ty có thể bị phạt 5.000-8.000 tân đài tệ mỗi du khách để đưa họ về Việt Nam.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi hợp tác với hãng lữ hàng đó của Việt Nam. Thật là không may", bà nói.