Với nỗ lực mở rộng sự hiện diện của Đài Loan trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhà lãnh đại Thái Anh Văn sau khi nhậm chức năm 2016 đã thúc đẩy Chính sách Hướng Nam Mới (NSP).
Trong chính sách này, Đài Loan tập trung thắt chặt quan hệ với 10 quốc gia ASEAN, sáu nước Nam Á (Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka và Bhutan), cùng với Australia và New Zealand.
Chính sách Hướng Nam Mới
Chính sách Hướng Nam Mới của bà Thái là sự tiếp nối các chính sách cùng tên của nhiều lãnh đạo tiền nhiệm tại Đài Loan như ông Lý Đăng Huy (nhiệm kỳ 1988-2000) và Trần Thủy Biển (2000-2008).
Việc "hướng Nam" giúp Đài Loan đa dạng hóa đầu tư ra nước ngoài, giảm sự phụ thuộc vào đại lục Trung Quốc, mở rộng những liên kết văn hóa, kinh tế, chuyển dịch lao động và du lịch trong khu vực.
Những tác động của Chính sách Hướng Nam Mới cũng thể hiện rõ trong quan hệ Việt Nam - Đài Loan. Tính đến tháng 4/2016, Việt Nam đã đưa được gần 500.000 lượt lao động sang làm việc tại Đài Loan, sau khi chính thức có Thỏa thuận về gửi và tiếp nhận lao động Việt Nam sang thị trường này làm việc.
Lãnh đạo Đài Loan bà Thái Anh Văn. Ảnh: Reuters. |
Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, trong 5 tháng đầu năm nay, tổng số người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 47.247 người. Đài Loan là thị trường dẫn đầu về mức thu hút lao động Việt, chiếm hơn 50% với 24.827 người, trong đó hơn 8.000 lao động là nữ giới.
Theo Hiệp hội phát triển ngoại thương Đài Loan, trong năm 2016, lượng khách du lịch Việt Nam đến Đài Loan là 196.000 người. Đến năm 2017, con số này đã tăng lên hơn 380.000 lượt du khách, theo Taiwan News.
Theo cổng thông tin Chính sách Hướng Nam Mới của Cơ quan Ngoại giao Đài Loan, tính đến tháng 10, lượng du khách Việt Nam đến Đài Loan tiếp tục tăng 33% so với năm 2017.
Nới lỏng hạn chế visa
Trong chính sách mới, Đài Loan thử nghiệm nhiều biện pháp để nới lỏng các quy định cấp visa cho khách du lịch đến từ các nước phía nam.
Theo báo cáo của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), chính quyền tại Đài Bắc muốn theo đuổi cùng chiến thuật đã được sử dụng hiệu quả tại nhiều nước phát triển tại Đông Á. Nhật Bản từng ghi nhận lượng khách du lịch tăng đáng kể sau khi nới lỏng visa cho công dân từ Thái Lan và Malaysia vào năm 2013.
Cơ quan Ngoại giao Đài Loan quyết định đơn giản hóa quá trình cấp visa cho khách du lịch 18 nước thuộc nhóm NSP.
Tháng 8/2016, Đài Loan mở rộng chính sách visa "hào phóng" thứ hai của hòn đảo - miễn visa thời hạn 30 ngày - cho du khách từ các nước Thái Lan và Brunei, cho phép công dân những nước này được ở lại Đài Loan không cần visa trong thời gian tối đa một tháng.
Trong vòng tám tháng sau khi tiến hành chính sách trên, lượng du khách từ Thái Lan và Brunei đều tăng trên 50%. Sau quá trình thử nghiệm, Đài Loan năm 2017 đã tuyên bố ý định áp dụng chính sách tương tự cho Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Myanmar và Philippines.
Lượng du khách đến Đài Loan trong 4 năm qua liên tiếp vượt mốc 10 triệu người, được đánh giá nhờ những chính sách nới lỏng cấp visa cho các nước ASEAN. Ảnh: Taiwan News. |
Cơ quan Ngoại giao Đài Loan còn mở hình thức cấp visa điện tử cho du khách đến từ những nước chưa thỏa điều kiện hưởng chính sách miễn visa 30 ngày. Chương trình được áp dụng cho các đối tượng là doanh nhân và du khách đi theo đoàn.
Tháng 6/2017, Đài Loan tiếp tục điều chỉnh luật nhập cảnh áp dụng cho các nước: Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines và Ấn Độ.
Theo đó, những người từng được cấp visa hoặc chứng nhận lưu trú nước ngoài tại Đài Loan, trong vòng 10 năm trở lại, có thể xin cấp Chứng nhận Cấp phép Đi lại (TAC) trên mạng và không tốn phí. TAC được khởi động từ năm 2009, cung cấp visa nhập cảnh nhiều lần có giá trị trong 90 ngày và cấp phép ở lại Đài Loan tối đa 30 ngày, theo Taiwan Today.
CSIS nhận định những nỗ lực trên cho thấy Đài Loan muốn thu hút "công dân trung lưu" và khách du lịch theo đoàn từ các nước ASEAN với sức mua lớn hơn.
Tính đến tháng 12/2018, Đài Loan miễn visa có thời hạn từ 14-90 ngày cho công dân từ bảy quốc gia: Australia, Brunei, Thái Lan, Philippines, New Zealand, Singapore và Malaysia. Bên cạnh đó, Đài Loan đã đơn giản hóa đáng kể các quy định cấp visa du lịch theo đoàn cho các nước Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Gần 2.000 người trốn lại Đài Loan
Kể từ khi Đài Loan bắt đầu áp dụng chính sách miễn visa cho nhiều nước thuộc nhóm NSP, tính từ tháng 8/2016 đến tháng 3/2018, ít nhất 1.946 trường hợp đã được ghi nhận ở quá hạn visa hoặc mất tích sau khi đến Đài Loan, theo thông báo của Văn phòng Thống kê Đài Loan. Trong đó, số công dân nước ngoài "mất tích" lên đến 1.597 người.
Phần lớn số người mất tích đã bị phát hiện sử dụng giấy tờ giả để tiếp tục ở lại Đài Loan. Trong số đó, hơn 600 trường hợp trốn lại Đài Loan để lao động bất hợp pháp, Taiwan News dẫn lại số liệu của Văn phòng Thống kê.
Báo cáo của Trung tâm Ngân sách thuộc Lập pháp viện ngày 17/12 cho biết, kể từ khi bắt đầu chính sách cấp visa điện tử cho các đoàn du lịch vào năm 2015, tình trạng du khách bỏ đoàn, sau đó tham gia những hoạt động không đúng với mục đích cấp visa ban đầu, đang tăng báo động.
Trung tâm này ghi nhận Đài Loan đã đạt được nhiều thành quả đáng kể trong việc nới lỏng visa cho các nước trong nhóm NSP, thúc đẩy hoạt động du lịch. Tuy nhiên, trung tâm cho rằng cơ quan ngoại giao Đài Loan cần tham vấn thêm nhiều cơ quan khác để đánh giá tác động của chính sách visa mới đối với ngành du lịch, an ninh biên giới và những lợi ích khác.
Vụ 152 du khách Việt Nam "mất tích" tại thành phố Cao Hùng, được công bố ngày 25/12, có thể là trường hợp du khách đồng loạt trốn lại Đài Loan lớn nhất cho đến nay. Ảnh: CNA. |
Theo báo cáo tháng 12 của Lập pháp viện, du khách Đài Loan vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ cấp visa đáp lại tương xứng từ các nước.
Trong khi Singapore, New Zealand, Malaysia và Indonesia miễn visa cho du khách Đài Loan với thời hạn 30 ngày, đa số các nước khác chỉ nới lỏng đến visa cấp tại sân bay với thời hạn 30 ngày hoặc visa điện tử. Việt Nam, Buhtan, Pakistan vẫn yêu cầu du khách Đài Loan xin visa trước khi đến.
Tháng 8, ông Trương Chính Sâm cho biết các cơ quan nội vụ và ngoại giao Đài Loan sẽ xem xét lại hiệu quả chính sách visa hướng nam, cũng như những tác động đối với an ninh và trật tự xã hội, theo Radio Taiwan International.